Cây lục bình ngày xưa lênh đênh trên sông nước không có giá trị kinh tế, nhưng ngày nay nó đang giúp nhiều người kiếm ra tiền.
Bèo tây còn được gọi là lục bình, lộc bình, hay bèo Nhật Bản là một loài thực vật thủy sinh, thân thảo, sống nổi theo dòng nước, thuộc về chi Eichhornia của họ Bèo tây.
Cây bèo tây xuất xứ từ châu Nam Mỹ, du nhập Việt Nam khoảng năm 1905, do đó trong tiếng Việt mới có tên bèo tây. Còn tên bèo Nhật Bản vì có người cho là mang từ Nhật về. Lộc bình do cuống lá phình lên giống lọ lộc bình. Phù bình vì nó nổi trên mặt nước.
Cây bèo tây mọc cao khoảng 30 cm với dạng lá hình tròn, màu xanh lục, láng và nhẵn mặt, gân lá hình cung dài, hẹp. Lá cuốn vào nhau như những cánh hoa. Cuống lá nở phình ra như bong bóng xốp ruột giúp cây bèo nổi trên mặt nước. Ba lá đài giống như ba cánh. Rễ bèo trông như lông vũ sắc đen buông rủ xuống nước, dài đến 1 m.
Sang hè cây bèo nở hoa sắc tím nhạt, điểm chấm màu lam, cánh hoa trên có 1 đốt vàng. Có 6 nhuỵ gồm 3 dài 3 ngắn. Bầu thượng 3 ô đựng nhiều noãn, quả nang. Dò hoa đứng thẳng đưa hoa vươn cao lên khỏi túm lá.
Cây bèo tây sinh sản rất nhanh nên dễ làm nghẽn ao hồ, kinh rạch. Một cây mẹ có thể đẻ cây con, tăng số gấp đôi mỗi 2 tuần.
Bèo tây được một số địa phương khai thác làm hàng thủ công mỹ nghệ, tuy nhiên, số lượng không nhiều. Một số ít nữa là các vựa trái cây dùng bèo tây để kê đệm hoa quả cho đỡ dập nát khi vận chuyển. Còn lại, đa phần bèo tây được dùng để làm thức ăn cho gà, vịt, lợn,… Người dân có thể tha hồ vớt bèo miễn phí về làm thức ăn chăn nuôi.
Anh Trần Văn Thuận (28 tuổi, ngụ xã Vĩnh Trung, H.Tịnh Biên, An Giang) là người đưa cây lục bình xuất ngoại đem lại thu nhập cao.
Anh Thuận cho biết sau khi tốt nghiệp ngành lâm sinh tại Trường ĐH Cần Thơ, năm 2017 anh về làm kiểm lâm tại rừng tràm Trà Sư. Hằng năm Ban quản lý rừng phải thuê nhân công dọn dẹp lục bình. Anh Thuận thấy tiếc vì số lượng lớn lục bình bị bỏ đi. “Những địa phương khác đã tận dụng loại cây này để sản xuất đồ thủ công mỹ nghệ từ lâu, trong khi người dân quê tôi vẫn chưa khai thác tiềm năng của nó”, anh Thuận nói.
Và rồi từng chuyến xe ba gác chở lục bình về phơi trước sự ngỡ ngàng của mọi người. Không ai ủng hộ Thuận, kể cả gia đình. Khó khăn nhưng anh rất quyết tâm: “Nếu kiếm được tiền từ cây lục bình thì có thể sẽ giải quyết công ăn việc làm tại chỗ cho rất nhiều người. Trước tôi hầu như chưa ai ở địa phương nghĩ khởi nghiệp với lục bình mà thành công cả”, anh Thuận bộc bạch.
Với số vốn ít ỏi ban đầu, anh tự cắt, tự phơi, tự bán lục bình. Khởi nghiệp từ tay trắng, anh bắt đầu gầy dựng cơ sở. Sau 2 năm, anh quyết định nghỉ làm kiểm lâm để tập trung vào kinh doanh.
Tự tìm cách kết nối với thương lái, anh Thuận xuất được lô hàng đầu tiên lên TP.HCM. Khi đó 1 tấn lục bình khô thu về lợi nhuận 8 triệu đồng. Lô hàng đảm bảo chất lượng giúp anh có thêm những hợp đồng tiếp theo. Đến đầu năm 2020, anh bao tiêu lục bình cho gần 100 người dân, không chỉ ở địa phương mình mà ở cả các vùng lân cận như Châu Phú, Chợ Mới, Tân Châu, Châu Đốc… Từ đây, anh liên kết với một số cơ sở ở Đồng Tháp xuất những lô hàng lớn sang Trung Quốc.
Cứ 10 tấn lục bình tươi sau 8 – 10 ngày phơi sẽ thu được khoảng 800 kg lục bình khô. Sau khi phân loại, lục bình mang đi tiêu thụ có mức giá khác nhau: loại 1 giá 24.000/kg, loại 2 là 20.000/kg, loại 3 dao động từ 13.000 – 15.000 đồng. Hiện mỗi tháng cơ sở của anh Thuận cung ứng ra thị trường 3 – 4 tấn lục bình khô ép sợi. Trừ hết chi phí, anh thu lợi nhuận hơn 20 triệu đồng.
Mọi việc tưởng chừng suôn sẻ thì điểm tập kết nguyên liệu tại H.Tịnh Biên gặp trục trặc. Cơ sở phải dời sang điểm sản xuất mới là xã Tân Kiều (H.Tháp Mười, Đồng Tháp). Bắt đầu lại ở vùng đất mới, anh Thuận đã tạo việc làm thêm cho 7 hộ dân. Câu chuyện khởi nghiệp của anh Thuận đã được Hội Liên hiệp Thanh niên VN H.Tịnh Biên tuyên dương gương thanh niên làm kinh tế tiêu biểu (năm 2021 và 2022).
Cây lục bình ngày xưa lênh đênh trên sông nước không có giá trị kinh tế, nhưng ngày nay nó đang giúp nhiều người kiếm ra tiền. Mỗi ngày, một người dân ở xã Tân Kiều, H.Tháp Mười (Đồng Tháp) làm tốt có thể kiếm hơn 300.000 đồng từ việc phân loại lục bình khô hoặc cắt lục bình tươi.
Ông Lê Văn Minh (53 tuổi, người dân địa phương) cho biết: “Lục bình tươi cắt được bao nhiêu bán bấy nhiêu. Vợ chồng tôi có thể bỏ túi 500.000 đồng mỗi ngày vì lục bình nhiều vô kể. Trước đây lục bình gây phiền phức vì cản trở đường sông, nhưng giờ nó giúp cho nhiều người có thêm miếng cơm, manh áo”, ông Minh chia sẻ.