Tập trung phát triển ngành nuôi trồng, đánh bắt thủy sản gắn với chế biến

Tính đến cuối năm 2022, toàn tỉnh Bình Thuận có 1.940 tàu cá chiều dài từ 15 m trở lên còn hạn ngạch Giấy phép khai thác thủy sản vùng khơi và 5.580 tàu có có hạn ngạch Giấy phép khai thác thủy sản vùng bờ và vùng lộng. Do thời tiết không thuận lợi cho hoạt động đánh bắt thủy sản của ngư dân, nên trong năm 2022 sản lượng khai thác thủy sản của tỉnh ta chỉ đạt 231.380 tấn, đạt 110,2% kế hoạch và bằng 100,6% so năm 2021.

Việc ứng dụng các tiến bộ khoa học công nghệ trong công tác bảo quản sản phẩm trên tàu cá tiếp tục được ngư dân quan tâm thực hiện, theo đó nhiều mô hình hiệu quả trong bảo quản sản phẩm thủy sản sau khai thác đã được nhân rộng. Cụ thể, trong năm 2022, toàn tỉnh hiện có khoảng 600 tàu cá cải hoán hầm bảo quản bằng vật liệu cách nhiệt để thay thế hầm bảo quản truyền thống; trên 100 tàu trang bị hầm cấp đông; thực hiện 01 mô hình “sử dụng công nghệ hầm lạnh bảo quản sản phẩm bằng máy bảo ôn trên tàu hoạt động nghề lưới kéo”.

Bên cạnh đó, các Sở, ngành, địa phương có liên quan trên địa bàn tỉnh cũng tăng cường công tác bảo vệ nguồn lợi thủy sản, đặc biệt là việc thực hiện chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU), tập trung khắc phục tồn tại, hạn chế theo khuyến nghị Ủy ban Châu Âu (EC), nhất là ngăn chặn tình trạng tàu cá và ngư dân khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài. Trong năm 2022, các lực lượng chức năng đã phát hiện và xử phạt 288 vụ vi phạm khai thác hải sản bất hợp pháp, giảm 55 vụ so cùng kỳ năm trước.

Tiếp tục thực hiện lắp đặt thiết bị giám sát hành trình (VMS) trên tàu cá, tính đến ngày 31/12/2022, toàn tỉnh có 1.922 tàu cá/ 1.933 tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên đang hoạt động đã lắp đặt thiết bị giám sát hành trình (VMS) đạt 99,4%. Công tác đăng kiểm tàu cá được thực hiện thường xuyên; năm 2022, thực hiện đăng kiểm, kiểm tra an toàn kỹ thuật 3.416 tàu/3.896 tàu đăng ký, đạt 87,7%. Tiếp tục duy trì hoạt động của 129 tổ đoàn kết/982 thuyền/4.910 lao động và 05 nghiệp đoàn nghề cá…

Ngoài việc khai thác thủy sản trên biển, tỉnh ta còn phát triển ngành nuôi trồng thủy sản gắn với quản lý môi trường và phòng trừ dịch bệnh tại các vùng nuôi thủy sản. Do đó, việc nuôi thủy sản nước lợ trong năm qua đã có sự chuyển biến tích cực về công nghệ nuôi, xuất hiện nhiều cơ sở nuôi tôm chân trắng công nghệ cao với diện tích trên 120 ha, năng suất đạt 25 – 30 tấn/ha/vụ; diện tích nuôi thâm canh khoảng 300 ha, năng suất đạt 10 tấn/ha/vụ; nhiều hộ dân còn nuôi ốc hương trên ao trải bạt năng suất từ 3-10 tấn/ha. Nuôi thủy sản lồng bè trên biển phát triển nhanh tại một số khu vực của huyện Tuy Phong, số lượng lồng nuôi tăng với nhiều đối tượng nuôi có giá trị kinh tế cao như cá Bóp, cá Mú, tôm Hùm… Nuôi thủy sản nước ngọt duy trì ổn định tại địa bàn các huyện Đức Linh, Tánh Linh, nuôi cá Tầm trên Hồ Đa Mi. Sản lượng thủy sản nuôi năm 2022 của tỉnh ta đạt 11.840 tấn, tăng 2,3% so cùng kỳ. Hoạt động sản xuất tôm giống gắn với công tác kiểm dịch, phân tích xét nghiệm mẫu được duy trì thường xuyên; tình hình sản xuất tôm giống trên địa bàn tỉnh tương đối thuận lợi; sản lượng tôm giống năm 2022 đạt 25,8 tỷ post, đạt 103,2% kế hoạch tăng 2,8% so năm 2021.

Hoạt động chế biến thuỷ sản được duy trì thường xuyên, phục vụ nhu cầu tiêu dùng của nhân dân và xuất khẩu, trong năm 2022 sản lượng sản phẩm thuỷ sản chế biến của tỉnh ta là 61.200 tấn, đạt 110,3% kế hoạch, tăng 11,1% so cùng kỳ năm 2021.