Tạo sinh kế mới cho người dân đầu nguồn thích ứng khi lũ nhỏ

Trong điều kiện biến đổi khí hậu hiện nay, các tỉnh ĐBSCL đẩy mạnh hỗ trợ người dân đầu nguồn sông Mekong thực hiện các mô hình sinh kế gia tăng thu nhập.

Mô hình sinh kế của người dân nuôi cá trê trong vèo lưới trong mùa nước lũ thấp ở huyện An Phú, tỉnh An Giang. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Mô hình sinh kế của người dân nuôi cá trê trong vèo lưới trong mùa nước lũ thấp ở huyện An Phú, tỉnh An Giang. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Năm nay nước lũ từ thượng nguồn Mekong đổ về các tỉnh An Giang, Đồng Tháp và Long An rất ít và muộn hơn cả tháng so với chu kỳ các năm trước. Vì vậy mùa lũ năm nay nguồn lợi thủy sản ít dần, đồng ruộng kém phù sa, đời sống người dân sống bằng nghề đánh bắt thủy sản thêm phần khó khăn, vất vả. Bà con vùng đầu nguồn cũng dần chuyển đổi nghề, tạo sinh kế ổn định, không bám víu vào cái nghề “năm ăn, năm thua” đánh cược với con nước nữa.

Để người dân có thu nhập ổn định không phụ thuộc vào mùa nước, các địa phương ở đầu nguồn đã hỗ trợ, tạo điều kiện cho người dân chủ động thực hiện các mô hình sinh kế thích ứng với tình trạng không có nước lũ như hiện nay.

Huyện đầu nguồn An Phú (An Giang), nhiều người dân đã được ngành nông nghiệp tỉnh hỗ trợ triển khai nhiều mô hình sinh kế đề thích ứng trong điều kiện biến đổi khí hậu nhưng mang lại hiệu quả kinh tế ổn định, như: nuôi cá thát lát và cá trê lai trong vèo lưới, nuôi cua, nuôi ốc, nuôi tôm càng xanh trên đất lúa, nuôi cá heo nước ngọt trong ao, nuôi lươn trong bể lót bạt bằng con giống sinh sản nhân tạo sử dụng thức ăn công nghiệp.

Anh Trịnh Văn Hận, ở ấp Phú Lợi, xã Phú Hữu, huyện An Phú là một trong những hộ dân được Sở NN-PTNT An Giang hỗ trợ mô hình sinh kế trong mùa lũ. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Anh Trịnh Văn Hận, ở ấp Phú Lợi, xã Phú Hữu, huyện An Phú là một trong những hộ dân được Sở NN-PTNT An Giang hỗ trợ mô hình sinh kế trong mùa lũ. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Anh Trịnh Văn Hận ở ấp Phú Lợi, xã Phú Hữu, huyện An Phú, An Giang là một trong những hộ dân được ngành nông nghiệp tỉnh An Giang chọn để hỗ trợ mô hình sinh kế nuôi cá trê lai trong vèo lưới tại cánh đồng nước lũ thấp.

Anh Hận cho biết, gia đình có 1,2ha đất lúa chỉ canh tác 2 vụ đông xuân và hè thu. Còn vụ thu đông đông vùng này nằm ngoài đê bao nên không sản xuất lúa mà xả lũ vào đồng ruộng để cho đất nghỉ ngơi lấy phù sa nhưng mực nước năm nay vào ruộng đồng khá thấp so với cùng kỳ, chính vì vậy không thể đánh bắt thủy sản được.

Từ tháng 8/2021 ngành nông nghiệp địa phương đã hỗ trợ toàn bộ 100% kinh phí để thực hiện mô hình nuôi cá trê trong vèo lưới cho gia đình anh như: lưới làm vèo nuôi cá, cây tràm cậm xung quang vèo lưới, 250 kg cá trê giống và còn hỗ trợ miễn phí kỹ thuật nuôi. Chỉ có tiền thức ăn công nghiệp hàng ngày gia đình anh bỏ ra đầu tư.

Hiện nay mô hình của anh Hận được triển khai nuôi cá trê ở 5 vèo lưới, bình quân mỗi vèo rộng 12m2 được thả 25kg cá giống. Dự kiến cuối năm nay gia đình anh sẽ thu hoạch lứa cá trê này bán, sẽ đem lại lợi nhuận vài chục triệu đồng.

Ông Kiều Thanh Hòa, trưởng ấp Phú Lợi, xã Phú Hữu cho biết: Năm nay là năm đầu tiên được Sở NN-PTNT tỉnh An Giang hỗ trợ cho 27 hộ dân trong ấp với tổng diện tích gần 28ha để thực hiện mô hình sinh kế trong mùa lũ thấp nuôi cá thát lát và cá trê trong vèo lưới.

Người dân ở đây ai cũng vui mừng vì có nghề mới để chăn nuôi và sản xuất. Tứ đó giúp họ có thu nhập ổn định cho gia đình vì không còn phải sống bám theo con nước lũ mưu sinh như trước đây nữa.

Ông Trương Kiến Thọ, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT An Giang cho biết: Những năm gần đây sản xuất nông nghiệp không còn thuận lợi như trước đây nữa, bởi vì do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu. Đặc biệt năm nay nước lũ rất nhỏ ảnh hưởng lớn đến đời sống của người dân vùng đầu nguồn. Để bà con dần thích ứng trong điều kiện hiện nay, bước đầu ngành nông nghiệp An Giang tạo điều kiện và hỗ trợ trước mắt “cần câu cơm” là các mô hình chuyển đổi nghề phù hợp hơn.

Người dân phấn khởi với các mô hình sinh kế vừa tăng thêm thu nhập cho gia đình. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Người dân phấn khởi với các mô hình sinh kế vừa tăng thêm thu nhập cho gia đình. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Thay vì đánh bắt nguồn lợi thủy sản, phụ thuộc hoàn toàn vào thiên nhiên, thì nay người dân chuyển sang nuôi trồng, chủ động cung cấp thực phẩm cho thị trường, hỗ trợ chế biến và có cơ sở vững chắc để nâng cao đời sống của bản thân và gia đình.

“Trong thời gian tới, ngành nông nghiệp sẽ liên kết với các doanh nghiệp để giúp cho người nông dân yên tâm giải quyết được vấn đề tiêu thụ hàng hóa nông sản khi sản xuất tại địa phương. Có thể khẳng định, từ những mô hình sinh kế này sẽ mang lại hiệu quả và ổn định hơn, từ đó giúp cho từng địa phương ngày càng giảm tỷ lệ hộ nghèo và vươn lên khá giá từ các mô hình sinh kế mà tỉnh đang triển khai”, ông Thọ nói.

Còn tại huyện Tam Nông (Đồng Tháp) có 6 hộ tham gia dự án sinh kế mùa lũ. Trong đó, 2 loại hình thực hiện chủ yếu là nuối cá đồng kết hợp trồng lúa – nuôi vịt và mô hình nuôi cá chạch lấu trong vèo kết hợp trồng lúa. Qua quá trình thực hiện thời gian qua cho thấy các mô hình đang đạt được nhiều tín hiệu tích cực.

Ông Nguyễn Anh Tàu, Phó Phòng NN-PTNT huyện Tam Nông cho biết: Mô hình sinh kế mùa lũ không chỉ giúp nông dân tăng thu nhập mà còn là giải pháp giúp nông dân thay đổi tư duy sản xuất nông nghiệp và có nhiều mô hình sản xuất thích ứng tốt hơn với tình trạng biến đổi khí hậu.

 Mô hình sinh kế nuôi cá chạch lấu trong vèo lưới kết hợp trồng lúa và nuôi vịt đang mang lại hiệu quả cho người dân ở Đồng Tháp. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

 Mô hình sinh kế nuôi cá chạch lấu trong vèo lưới kết hợp trồng lúa và nuôi vịt đang mang lại hiệu quả cho người dân ở Đồng Tháp. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Hiện tại đối vối mô hình lúa – vịt, lúa – tôm, lúa – rau màu…đang được lãnh đạo các xã đánh giá rất cao. Bởi đây là mô hình giúp nông dân đạt mức tổng lợi nhuận khoảng 64,7 triệu đồng/ha/năm, tăng 34,6 triệu đồng/ha so với ngoài mô hình.