Quy trình trồng xoài tượng Sơn La phục vụ xuất khẩu

Nông dân vùng trồng xoài đều tuân thủ quy trình kỹ thuật trong tỉa cành, bón phân, dùng thuốc bảo vệ thực vật đúng nguyên tắc…

Diện tích trồng xoài tượng da xanh Sơn La phục vụ xuất khẩu sang thị trường Australia và một số thị trường khác khoảng 14,75 ha được tỉnh cấp mã số vùng trồng năm 2015. Cụ thể, hợp tác xã Ngọc Lan xã Hát Lót – huyện Mai Sơn khoảng 7,35 ha và hợp tác xã Nông nghiệp an toàn Chiềng Hặc – huyện Yên Châu khoảng 7,4 ha.

Hai giống xoài tượng da xanh giống GL3, GL4 trồng phục vụ xuất khẩu ở Sơn La là xoài Đài Loan được ghép với giống xoài địa phương (xoài tròn, xoài keo) từ nhiều năm trước. Giống xoài này thích hợp vùng đất nhiều gió như tỉnh Sơn La, có khả năng chịu hạn và kháng sâu bệnh tốt.

Video: Xoài tượng da xanh trồng tại Sơn La

So với các giống bản địa, xoài ghép sinh trưởng mạnh, quả to, trọng lượng quả gần một cân, thịt quả dầy, giòn, thơm ngon. Chi phí đầu tư cho mỗi hecta xoài tượng xanh da khoảng 80 triệu đồng, nếu được chăm sóc tốt sau 3 năm đã cho thu hoạch với sản lượng khoảng 20 tấn một hecta đến năm thứ 5 sản lượng quả đạt đến 40 tấn một hecta. Thời vụ thu hoạch xoài tượng da xanh hàng năm kéo dài khoảng 3 tháng. Doanh thu mỗi ha loại xoài này đạt 250 triệu đồng (tính theo đơn giá trung bình 6 tháng đầu năm 2018).

So với xoài tượng xuất khẩu, chi phí đầu tư cho mỗi hecta xoài địa phương thấp hơn, chỉ khoảng 75 triệu (do giống địa phương rẻ hơn) nhưng phải đến năm thứ 7 mới bắt cho thu hoạch chính thức. Sản lượng mỗi hecta chỉ đạt từ 8 đến 10 tấn. Xoài chín đồng loạt nên thời vụ thu hoạch hàng năm thường chỉ kéo dài được 20 đến 30 ngày.

Để đảm bảo tiêu chuẩn xuất khẩu, nông dân vùng trồng xoài đều tuân thủ quy trình kỹ thuật trong tỉa cành, bón phân, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo nguyên tắc “bốn đúng” (đúng thuốc, đúng nồng độ, đúng liều lượng, đúng cách), không dùng thuốc diệt cỏ.

Xoài da xanh Sơn La. Ảnh: Bizmedia

Xoài da xanh Sơn La. Ảnh: Bizmedia

Bên cạnh đó, các hợp tác xã cũng đã đầu tư xây dựng nhà sơ chế đóng gói với đầy đủ công cụ cắt cuống, bồn rửa, máy đóng hộp… nhằm đảm bảo vệ sinh cho trái xoài trước khi xuất khẩu. Dự kiến, lượng xoài xuất khẩu sang thị trường Australia trong năm 2018 là 20 tấn, đạt khoảng 22.000 USD. Thời gian tới, xoài tượng da xanh cũng sẽ được xuất sang thị trường Dubai.

Đồng thời, bà con xã viên còn tận dụng nguồn phân bón cho cây trồng theo hướng sản xuất phân hữu cơ, như bã củ dong, cắt cỏ vườn ủ với thân cây ngô, phân chuồng ủ hoai… để bón cho cây xoài; đào giếng lấy nước và kiểm tra chất lượng nước tưới đảm bảo vệ sinh cho cây xoài. Định kỳ, quả xoài được lấy mẫu để kiểm tra dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, đảm bảo an toàn chất lượng sản phẩm quả.

Trong những năm qua, trên cơ sở nhu cầu của thị trường, chính quyền tỉnh đã quy hoạch vùng trồng cây ăn quả các loại (xoài, nhãn, na, mận hậu…), thực hiện đồng bộ các giải pháp tiêu thụ nông sản (trong tỉnh, trong nước và xuất khẩu); đồng thời thực hiện các hoạt động quảng bá, xúc tiến, liên kết tiêu thụ xoài; tìm kiếm đối tác để đẩy mạnh xuất khẩu nông sản.

Nhờ đó, nông dân không phải lo lắng kiếm đơn vị bao tiêu các nông sản trái cây làm ra. Sức mua và giá bán ổn định giúp bà con yên tâm gắn bó với cây xoài. Từ đây, tạo điều kiện thuận lợi cho mở rộng diện tích vùng trồng phục vụ xuất khẩu.