Phòng trừ nhện đỏ gây hại Cam

Hỏi: Vườn cam nhà tôi đang bị rất nhiều nhện đỏ, tôi đã phun nhiều loại thuốc nhưng không khỏi và càng nhiều. Có thuốc nào phòng trừ thuốc tốt không ạ. Tôi có thể kết hợp phun Dầu khoáng với thuốc sinh học được không ạ?

Ảnh minh họa

Trả lời:

Nhện đỏ là loài đa ký chủ có vòng đời ngắn (10-15 ngày) nên mật số tăng rất nhanh nhất là trong điều kiện khô hạn. Chúng có thể gây hại trên nhiều bộ phận của cây. Vì vậy để phòng trừ nhện đỏ cần thực hiện các biện pháp phòng trừ tổng hợp như sau:

– Không nên trồng quá dày làm cho vườn cam bị um tùm rậm rạp, không thông thoáng, tán bị che phủ nhiều. Tỉa bỏ những cành, lá không cần thiết bên trong tán cây để tán cây luôn luôn được thông thoáng.

– Bón phân dứt điểm thành từng đợt và phải bón cân đối giữa đạm, lân và kali. Nếu vườn nhà bạn thường bị nhện gây hại nhiều thì nên tăng cường bón thêm phân lân và kali.

– Mùa nắng, tưới nước đầy đủ để làm tăng ẩm độ vườn cây.

– Tránh để cành lá, trái tiếp xúc với mặt đất tạo điều kiện cho nhện di chuyển lên cây;

– Nên xử lý cho cây ra hoa đồng loạt, nhanh, đọt to, khỏe để dễ quản lý nhện.

– Nếu vườn của bạn thường bị nhện gây hại nặng thì cứ mỗi đợt cây ra đọt, lá non nên phun xịt 3 lần thuốc trừ nhện:

Lần 1 khi cây vừa nhú đọt non, lần 2 khi đọt non ra rộ và lần 3 khi lá non bước sang giai đoạn bánh tẻ.

Khi cây đã bước vào giai đoạn cho trái thì cứ mỗi đợt ra bông kết trái bạn cũng nên phun xịt 3 lần thuốc: lần 1 lúc nụ hoa ra rộ, lần 2 sau khi tượng trái rộ khoảng 1 tuần và lần 3 cách lần 2 khoảng 10 ngày.

+ Khi vườn đã bị nhện phá hại cần thực hiện các biện pháp sau:

– Phun nước bằng vòi phun áp lực cao lên tán cây cũng hạn chế mật số nhện. Nhất là vào mùa khô nhện phát triển mạnh;

– Dùng các thuốc đặc trị: Kumulus 80DF, Pegasus 500SC, Ortus 5SC, Comite 75EC, Alfamite 15EC, Cyperan 25EC, Dầu khoáng SK-Enspray 99EC, Voliam targo 063SC (có hoạt chất Chlorantraniliprole + Abamectin)….

– Nhện có khả năng kháng thuốc rất cao nên sử dụng đúng liều, đúng thuốc và luân phiên.

+ Các chế phẩm dầu khoáng thông thường cũng có khả năng diệt sâu nhưng dễ làm cháy lá cây, do có hàm lượng aromatic cao và không hòa tan được trong nước nên muốn sử dụng chúng làm thuốc trừ sâu thì phải sử dụng loại dầu không hại cây và hòa tan đều được trong nước. Hiện nay trên thị trường đã bán rất nhiều loại dầu khoáng phun cho cây như: Dầu khoáng SK-Enspray 99EC, ĐẦU TRÂU BIHOPPER 24,5EC và 270EC….

Tác dụng diệt sâu của dầu chủ yếu là bịt các lỗ thở làm sâu ngạt thở mà chết, dầu còn làm trứng sâu bị ung, không nở thành sâu non được do bao phủ ngăn cản trứng tiếp xúc với không khí, ngoài ra dầu còn làm giảm tính hấp dẫn của cây ký chủ với sâu hại, do sau khi phun dầu che phủ bề mặt lá làm sâu trưởng thành không tìm đến cây ký chủ ưa thích để đẻ trứng. Với các cơ chế trên dầu khoáng không gây tính kháng thuốc cho sâu.

Dầu khoáng rất ít hại các loài thiên địch do không tác động đến thần kinh. Sau khi phun lượng dầu bám trên cây và rơi xuống đất mau chóng bị ánh sáng mặt trời và vi sinh vật phân hủy nên không có sự tích lũy dầu trên nông sản và môi trường.

Đối với người và gia súc, dầu khoáng không độc, giống như các loại dầu khoáng thường dùng trong đời sống.

Với các đặc điểm trên, dầu khoáng được coi là một loại thuốc trừ sâu chính sử dụng trong phương pháp quản lý dịch hại tổng hợp (IPM), đảm bảo độ an toàn cao cho nông sản, nhất lá các loại rau, quả, chè… Dầu khoáng có tác dụng diệt trừ mạnh với nhện hại cây, các loài sâu chích hút có kích thước cơ thể nhỏ (rầy, rệp, bọ trĩ) và các sâu miệng nhai mới nở. Đặc biệt đối với các loại ruồi và sâu đục quả, dầu hạn chế sâu trưởng thành bay đến đẻ trứng và hạn chế trứng nở nên có tác dụng phòng ngừa tốt.

Tuy nhiên sử dụng dầu khoáng cũng phải thực hiện theo phương pháp “4 đúng”.

Pha thuốc + nước theo tỷ lệ 0,5% cho kết quả tốt nhất. Không nên pha trên 1%.

Chú ý phun đủ lượng nước đảm bảo phủ đều khắp mặt lá cây, không phun khi trời nắng nóng, có thể pha chung với các thuốc trừ sâu bệnh khác, nhưng tuyệt đối không phun với các thuốc gốc lưu huỳnh, nhóm thuốc dithiocarbamat và chlorothalonil vì dễ làm hại lá cây (trên nhãn các chế phẩm dầu khoáng có ghi cụ thể).