Nông dân gặp khó khi tái đàn lợn

Nhiều nông dân muốn tái đàn lợn sau dịch tả châu Phi và liên hệ nhiều nơi mua giống nhưng không có.

Những ngày gần đây, vợ chồng anh Ngô Văn Tân, 29 tuổi ở xã Hương Phong, thị xã Hương Trà (tỉnh Thừa Thiên Huế) liên tục gọi điện đến các trại lợn giống, để mua lợn con về tái đàn. Anh Tân đều nhận được câu trả lời “không có”.

Sau dịch tả lợn châu Phi, 8 chuồng nuôi lợn của gia đình  mới chỉ thả nuôi được 4 con, trong đó một chuồng anh tận dụng nuôi gà, còn lại để trống.

Chuồng lợn của nhà anh Tân bỏ trống vì không mua được lợn giống. Ảnh: Võ Thạnh

Anh Tân cho biết, trước đây gia đình anh nuôi hơn 20 con lợn, gồm 2 con lợn nái. Đây là nguồn thu nhập chính của gia đình. Tuy nhiên, tháng 5/2019, đàn lợn của gia đình chết hết do nhiễm dịch tả lợn châu Phi. Anh Tân được chính quyền hỗ trợ 11 triệu đồng.

Sau nhiều tháng chuồng bỏ trống, vợ chồng anh quyết định tái đàn lợn. Họ cẩn thận mua một con về nuôi thử nghiệm. Thấy lợn không dịch bệnh, anh Tân quyết đầu tư nuôi số lượng lớn trở lại. Hỏi dò thương lái suốt 3 tháng, vợ chồng anh chỉ mua được 4 con lợn con với giá gần 10 triệu đồng.

“Gia đình lên kế hoạch mua thêm 10 con lợn thịt và hai lợn nái về tái đàn, song thương lái bảo lợn giống đợt này khan hiếm và giá cao”,  anh Tân nói.

Cách gia đình anh Tân khoảng 2 km, bà Trần Thị Ngũi (60 tuổi, xã Hải Dương, thị xã Hương Trà) cũng chật vật trong việc mua lợn con suốt một tháng qua. Lái buôn hẹn bè vài tháng nữa mới có lợn chở về bán.

Trước đây, bà Ngũi nuôi 5 con lợn thịt trong hai chuồng để tận dụng nguồn thức ăn dư thừa, lấy phân trồng cây. Lợn chuẩn bị xuất chuồng thì nhiễm dịch tả châu Phi phải đem đi tiêu hủy. Gia đình nhận được gần 10 triệu đồng từ hỗ trợ của nhà nước. Kể từ đó, hai chuồng nuôi lợn của bà Ngũi bỏ trống.

Tương tự, hàng trăm hộ dân ở thị xã Hương Trà, huyện Quảng Điền muốn tái đàn lợn song không mua được con giống. Nhiều người lùng sục khắp các hộ nuôi lợn nái để mua lợn con cũng không có, nếu có thì giá cao.

Ông Lê Hoài Nam, Trưởng trạm chăn nuôi, thú y thị xã Hương Trà cho biết, tổng đàn lợn hàng năm của địa phương là 25.000 con, song đến nay mới chỉ tái đàn được 12.000. “Việc tái đàn lợn hiện nay rất khó khăn do nguồn lợn giống quá khan hiếm. Ngoài ra, giá lợn giống bị đẩy lên quá cao, trung bình mỗi con từ 2-3 triệu đồng nên người dân rất khó mua”, ông Nam nói.

Tại Quảng Nam, nhiều hộ dân cũng gặp khó trong việc mua lợn giống để tái đàn. Bà Nguyễn Thị Sáu, xã Bình Định Bắc, huyện Thăng Bình cho hay, trong đợt dịch đàn lợn 20 con của gia đình bị tiêu hủy, chuồng bỏ trống nhiều tháng qua.

Khi dịch lắng xuống, bà Sáu rải vôi bột và phun hóa chất sát trùng chuồng trại, rồi đến chợ Bà Rén (huyện Quế Sơn, nơi bán lợn giống lớn nhất tỉnh Quảng Nam) để mua. Tuy nhiên, giá lợn giống cao, mỗi con loại 4 đến 4,5 kg có giá trên 1,2 triệu đồng nên bà Sáu chỉ dám mua 3 con về nuôi thử.

Ông Nguyễn Thành Nam, Chi cục trưởng Chăn nuôi thú y Quảng Nam cho biết, trước đây địa phương có gần 69.000 con lợn nái. Từ giữa tháng 5/2019 đến nay, dịch tả châu Phi đã khiến hơn 50.000 con lợn nái chết. Số lợn nái chết nhiều dẫn đến lợn con khan hiếm.

Hiện tổng đàn lợn trên địa bàn tỉnh Quảng Nam ước đạt 252.000 con, giảm 41,5% so cùng kỳ năm trước.

Ông Đỗ Quang Diên Khánh chăm sóc lợn mới sinh ra. Ảnh: Đắc Thành

Trong khi nhiều hộ dân gặp khó trong việc tái đàn lợn, các trang trại có lợn giống lại “đắt hàng”. Ông Đỗ Quang Diêm Khánh, Tổ hợp tác chăn nuôi Kiên Dũng, xã Tam Vinh, huyện Phú Ninh cho biết, trang trại nuôi của ông xây dựng theo mô hình khép kín nên phòng, chống được dịch tả châu Phi.

“Chúng tôi có gần 30 con lợn đang sinh sản, nguồn giống cung cấp tại chỗ và bán ra ngoài giá 350.000 đồng/kg. So với trước đây, giá lợn giống cao gấp 3 lần”, anh Khánh nói.

Bà Nguyễn Thị Lan, xã Quế Phú, huyện Quế Sơn cũng cho biết, ba con lợn nái của gia đình bà sống sót sau đợt dịch đã đồng loạt đẻ hơn 33 con. Sau một tháng chăm sóc, “thương lái đến tranh nhau mua với giá 1,3 triệu đồng mỗi con”.

Tại Hà Nội, những ngày cuối tháng 5, nhiều dãy chuồng nuôi lợn ở xã Cát Quế, huyện Hoài Đức bỏ trống, phủ trắng vôi bột. Trước đợt dịch tả lợn châu Phi, cả xã có hơn 500 hộ chăn nuôi lợn, đến nay chỉ khoảng 300 hộ tái đàn do giá lợn giống tăng cao.

Chị Nguyễn Thị Hoàn, 43 tuổi, thôn 7 xã Cát Quế cả ngày không dám dời mắt khỏi đàn lớn giống 10 con. Mỗi con nặng từ 25-27 kg, được chị nhập từ trại lợn ở xã bên với giá 4,3 triệu đồng/con. “Lợn nhỏ khó nuôi, chỉ cần chúng bị tiêu chảy thông thường cũng có thể chết cả lứa”, chị Hoàn nói và cho hay đợt tái đàn này chị phải cẩn thận chọn lợn mẹ khỏe mạnh từ những gia trại nhỏ, tránh trang trại lớn vì “lợn ở đó nuôi nhiệt độ thấp nên sẽ yếu”.

Tuy nhiên, những nơi cung cấp giống nhỏ lẻ đều không cam kết về chất lượng hay việc kiểm dịch, người chăn nuôi như chị Hoàn chỉ dựa vào kinh nghiệm “thấy mập, khỏe thì bắt”.

Chị Hoàn cho đàn lợn ăn. Ảnh: Tất Định

Giữa năm 2019, gia trại của chị Hoàn nuôi 130 con lợn thịt và nái, 120 con bị mắc dịch phải tiêu hủy; 10 con sót lại trong khu chuồng khác được chị chăm sóc cẩn thận để gây giống nhưng bất thành. Dịp này thấy giá thịt lợn cao, vợ chồng chị quyết “đánh liều” đầu tư.

Hà Nội có tổng đàn lợn lớn thứ hai cả nước (sau Đồng Nai) với 1,9 triệu con. Do ảnh hưởng của dịch tả lợn châu Phi, còn lúc Hà Nội chỉ còn 900.000 còn lợn, giảm khoảng 50% nhưng đến nay đã phục hồi lên 1,2 triệu con.

Kể từ khi bùng phát dịch tả lợn châu Phi đến 25/5/2020, gần 6 triệu con lợn buộc phải tiêu hủy (chiếm 19,35% so với tổng đàn 31 triệu con vào cuối năm 2018)

Trước tình trạng thiếu lợn giống tái đàn, 19 doanh nghiệp đăng ký nhập khẩu 94.294 con lợn giống, trong đó, tính đến ngày 22/5 đã nhập khẩu được 3.708 con lợn giống (tăng 49% so với tổng số lợn giống nhập khẩu năm 2019).