Ninh Thuận tăng cường công tác quản lý nuôi trồng thủy sản

Thời gian qua, các địa phương ven biển tỉnh Ninh Thuận đã khai thác, tận dụng hiệu quả hệ thống đầm, vịnh, mặt nước biển để đầu tư phát triển mạnh nghề nuôi trồng thủy sản (NTTS), đem lại nguồn thu nhập ổn định cho người dân.

Toàn tỉnh hiện có 222 bè nổi/2.200 lồng nổi nuôi tôm hùm, khoảng 900 lồng nuôi các loại cá biển chủ yếu như: Cá bớp, cá chim, cá mú và có 145/841 hộ nuôi hàu, cua, ghẹ quanh Đầm Nại; trồng rong sụn, rong nho 10 ha tập trung chủ yếu tại khu vực biển Nhơn Hải, Hộ Hải (Ninh Hải); Phước Dinh, Phước Diêm, Cà Ná (Thuận Nam), An Hải (Ninh Phước)… Theo đánh giá của ngành chức năng, mặc dù nghề nuôi biển có những bước phát triển, nhưng thực tế cho thấy NTTS còn bộc lộ một số hạn chế, đó là sản xuất manh mún, đa số người dân chưa tuân thủ đúng quy trình, kỹ thuật nuôi trồng hợp lý; kết cấu công trình lồng bè khá thô sơ, đơn giản, chưa đáp ứng được khả năng trước tác động của các đợt sóng, gió biển lớn; hoạt động ứng dụng khoa học-kỹ thuật mới chưa được cải thiện…

Ông Đặng Văn Tín, Chi cục Trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh, cho biết: Phần lớn các mô hình nuôi biển hình thành đã cải thiện đáng kể sinh kế, làm tăng thu nhập cho người dân ven biển. Tuy nhiên, với những khó khăn, bất cập nêu trên, đòi hỏi công tác quản lý nhà nước về NTTS phải được thực hiện hết sức chặt chẽ. Để tránh tình trạng người dân phát triển theo hướng tự phát và làm ảnh hưởng đến cảnh quan môi trường sinh thái biển, hằng năm, Chi cục đều tham mưu cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành kế hoạch mùa vụ, lịch sản xuất cụ thể ở từng khu vực; tuyên truyền, khuyến cáo hộ nuôi lựa chọn giống đầu vào chất lượng, đảm bảo mật độ thả nuôi phù hợp. Đồng thời, phối hợp với chính quyền địa phương giám sát chặt chẽ việc sử dụng đất đai, mặt nước NTTS đã được quy hoạch.

Nuôi trồng thủy sản tại vùng biển Ninh Hải. Ảnh: AT

Xác định con giống là yếu tố then chốt, góp phần nâng cao hiệu quả vụ nuôi, công tácuản lý giống thủy sản theo Thông tư số 26/2018/TT-BNNPTNT của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục được quan tâm, chú trọng. Trong năm 2022, Chi cục Thủy sản tỉnh thực hiện giám sát chuyển đổi mục đích sử dụng tôm bố mẹ hết thời gian sử dụng 185 lô/60.230 con; tiến hành kiểm tra và cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện ương dưỡng giống thủy sản theo quy định cho 413 cơ sở. Ngoài ra, phối hợp với các đơn vị liên quan tiến hành các đợt kiểm tra việc cung ứng giống từ các nơi khác về tỉnh, đánh giá chất lượng giống, thu mẫu xét nghiệm đối chứng để kịp thời loại bỏ những con giống nhiễm bệnh, giúp các cơ sở, hộ nuôi có nguồn con giống sạch bệnh, đảm bảo việc thả nuôi sinh trưởng và phát triển tốt.

Song song đó, hoạt động quan trắc môi trường và cảnh báo dịch bệnh tại các vùng nuôi tập trung được thực hiện thường xuyên để giảm thiểu thấp nhất mức độ thiệt hại cho người nuôi. Từ đầu năm tới nay, Chi cục đã triển khai 8 đợt quan trắc với 42 mẫu giáp xác và 168 mẫu nước cấp, kết quả cho thấy chỉ số độ mặn, độ kiềm, pH của nước biển ven bờ khu vực sản xuất giống thủy sản và nuôi thủy sản lồng bè đều nằm trong giới hạn cho phép, chỉ phát hiện 24 chỉ tiêu tôm nuôi bị nhiễm vi bào tử trùng, 14 chỉ tiêu tôm nhiễm gan tụy cấp tính và 6 chỉ tiêu nhiễm virus gây bệnh đốm trắng đỏ thân. Chi cục đã kịp thời thông báo cho hộ nuôi biết, đồng thời, khuyến cáo thực hiện ứng phó bằng cách tăng tần suất, cường độ quạt nước, bổ sung vitamin, men vi sinh, khoáng chất cần thiết, đảm bảo giống nuôi phát triển khỏe mạnh.

Nhờ thực hiện tốt các biện pháp quản lý, trong năm 2022 hoạt động NTTS tiếp tục phát triển ổn định, các đối tượng nuôi trồng sinh trưởng và phát triển tốt, cho năng suất đạt cao. Ước tổng sản lượng thủy sản thương phẩm đạt 10.061 tấn, đạt 118,4% kế hoạch năm và tăng 3,2% so với năm trước. Đặc biệt, nhu cầu tiêu thụ một số sản phẩm như ốc hương, tôm hùm, cá biển tăng cao, có giá bán ổn định nên hầu hết người nuôi đều có lãi.

Để góp phần bảo vệ môi trường, hướng đến phát triển bền vững hoạt động NTTS trong thời gian tới, theo ông Đặng Văn Tín, đơn vị tiếp tục phối hợp với các ngành, địa phương tăng cường công tác quản lý, nắm bắt tình hình sản xuất kinh doanh giống thủy sản, diện tích, quy mô lồng bè, dịch bệnh trên các đối tượng thủy sản; triển khai quan trắc môi trường, cảnh báo dịch bệnh, hướng dẫn hộ nuôi áp dụng tiêu chuẩn GAqP trong nuôi tôm thương phẩm và tổ chức ghi chép đầy đủ nhật ký ao nuôi, phục vụ truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Đẩy mạnh huy động nguồn lực đầu tư xây dựng các dự án, hỗ trợ người dân đầu tư mở rộng quy mô sản xuất đối với đối tượng nuôi chủ lực, hướng tới phát triển nuôi biển tập trung xa bờ, đem lại năng suất và chất lượng cao.