Người dân Hà Tĩnh áp dụng các giải pháp nuôi tôm vụ Thu-Đông

Để giảm thiểu rủi ro do thời thất thường khi bước vào nuôi tôm vụ Thu – Đông, nhiều chủ ao đầm, cơ sở nuôi tại Hà Tĩnh đã áp dụng các giải pháp, áp dụng công nghệ nuôi tiên tiến, kết hợp đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng với mong muốn mang lại vụ tôm nhiều thắng lợi.

Việc dự trữ và xử lý nguồn nước đảm bảo khi nuôi tôm được anh Phương chú trọng trong vụ tôm Thu – Đông

Trang trại nuôi tôm 1,8 ha của anh Trần Vũ Quốc Phương ở xã Đan Trường, huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh) là một trong những vùng nuôi ít ảnh hưởng của mưa lũ nên hầu như năm nào đến vụ Thu – Đông anh Phương cũng không cho ao hồ được nghỉ mà tiếp tục đầu tư thả nuôi với hy vọng sẽ có thêm một vụ tôm thắng lợi.

Anh Phương chia sẻ: “ mặc dù vùng nuôi nằm trong đê, khá an toàn trong màu mưa lũ, hệ thống ao hồ đều được được đầu tư lót bạt theo kiểu ao tròn, hệ thống sục khí đầy đủ, hiện đại nhưng đối với vụ tôm thu- đông, do nguồn nước mặn thường xuyên bị ngọt hóa và ô nhiễm khi mưa lũ tràn về nên sau những vụ nuôi trước tôi rút kinh nghiệm phải có kế hoạch dự trữ nguồn nước ngay từ đầu vụ. Thay vì lấy nước bên ngoài vào dễ gây rủi ro cao, tôi áp dụng quy trình nuôi tuần hoàn khép kín. Với cách nuôi này, trên diện tích 1,8ha, tôi đã dành 2 ao để làm ao trữ nước và sử dụng nước cũ (nước đã nuôi vụ trước) sau đó xử lý kỹ tại a0 lắng để quay vòng trở lại nuôi vụ tôm mới. Cách làm này sẽ áp dụng cho cả vụ nuôi, như vậy mới đảm bảo được nguồn nước cung cấp cho tôm phát triển”.

Anh Nguyễn Văn Hòa tiếp tục thả nuôi vụ mới với quy trình nuôi 3 giai đoạn

Trước những thay đổi ngày càng khắc nghiệt của thời tiết, nguồn nước không đảm bảo chất lượng, tôm dễ bị bệnh gan tụy và đốm trắng, anh Nguyễn Văn Hòa (xã Thạch Hạ, TP Hà Tĩnh) đã đầu tư san lấp lại mặt bằng, chuyển đổi từ hình thức nuôi ao sang nuôi 3 giai đoạn tuần hoàn ứng dụng công nghệ vi sinh ở vùng nuôi Đầm Ghè. Từ thành công vụ nuôi tôm xuân – hè vừa rồi, anh Hòa đã mạnh dạn thả nuôi đợt mới với 50 vạn con giống để khảo nghiệm hiệu quả, mức độ phát triển của tôm trong điều kiện thời tiết bất lợi của vụ Thu – Đông. Cùng với thả nuôi vụ mới, anh Hòa cũng đang xây dựng hoàn chỉnh hệ thống với 1 ao ương mật độ cao, 4 ao nuôi giai đoạn 2 trong bể tròn nổi có mái che, 2 ao nuôi giai đoạn 3 trong ao lót bạt ngoài tự nhiên để phát triển mô hình.

Anh Hòa chia sẻ: “Phương pháp nuôi này gồm có 1 giai đoạn ương và 2 giai đoạn nuôi, ao ương được thiết kế quây tròn bằng thép B40 rồi lót bạt, lắp đặt hệ thống ôxy, máy móc, thiết bị hiện đại, phía trên được che bằng màng lưới nên dễ chăm sóc, quản lý cũng như hạn chế phụ thuộc vào thời tiết, môi trường bên ngoài xáo động và giữ ổn định nhiệt độ phù hợp trong ao nuôi, đảm bảo cho tôm phát triển tốt ngay cả khi nhiệt độ xuống thấp. Với cách nuôi này cũng cho phép nuôi nhiều vụ gối nhau trong năm và cho thu hoạch tôm vào các thời điểm có giá bán cao so với chính vụ (vụ xuân hè từ tháng 3 – tháng 8), tránh cảnh “được mùa lại mất giá”.

Hiện nay, tại các vùng nuôi tôm ở Nghi Xuân, Thạch Hà, Cẩm Xuyên… sau khi thu hoạch xong vụ tôm xuân – hè, nhiều diện tích nuôi tôm vụ thu đông đang được các tổ chức, cá nhân tập trung cải tạo ao nuôi và chuẩn bị các điều kiện để thả nuôi vụ mới. Theo đánh giá, việc ứng dụng các quy trình kỹ thuật tiên tiến, công nghệ cao ngày càng được người nuôi tôm Hà Tĩnh quan tâm và đạt được những bước phát triển tốt. Nhiều quy trình, công nghệ mới hạn chế được ảnh hưởng thời tiết ở tỉnh ta như: quy trình Biofloc, quy trình nuôi nhiều giai đoạn, nuôi công nghệ lọc tuần hoàn, nuôi trong nhà kín, nuôi trong bể tròn nổi… kết hợp với đầu tư nâng cấp hạ tầng có thể cho năng suất đạt từ 20 – 40 tấn/ha/vụ, cao hơn so với nuôi tôm thâm canh trong ao đất lót bạt gấp 2 – 3 lần, nhờ thế giá trị sản xuất trên đơn vị diện tích cũng được nâng lên.

Tuy được đầu tư công nghệ hiện đại nhưng ngành chức năng vẫn khuyến cáo với người nuôi vẫn phải hết sức cẩn trọng vì nuôi tôm rất khó lường. Hiện đang trong giai đoạn mùa mưa, các yếu tố môi trường dễ biến động, đồng thời, dịch bệnh trên tôm nước lợ đang xuất hiện khá nhiều trong cả nước, nhất là bệnh hoại tử gan tụy cấp, vi bào tử trùng EHP, đốm trắng, phân trắng….

Bà Nguyễn Thị Hoài Thúy – Trưởng phòng Nuôi trồng thủy sản (Chi cục Thủy sản Hà Tĩnh) cho biết: “qua khảo sát, đánh giá, toàn tỉnh hiện có hơn 500 ha diện tích đủ điều kiện để thả nuôi vụ thu – đông. Do thời vụ thả nuôi bắt đầu từ cuối tháng 8 đến tháng 2 năm sau thường phải đối mặt với nhiều yếu tố bất lợi, tính rủi ro cao do biến đổi phức tạp của thời tiết, mưa lũ bất thường, ngành chuyên môn khuyến cáo chỉ nên nuôi quy mô ở các vùng tránh được lũ, đảm bảo điều kiện về cơ sở vật chất, tăng cường ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ, để vụ nuôi thu – đông. Thêm vào đó, các hộ nuôi cũng phải chú trọng đến chất lượng con giống, thả giống phù hợp, kích cỡ lớn, thả giống mật độ thưa hơn so với vụ xuân – hè, chủ động các biện pháp quản lý môi trường và bảo vệ sản phẩm, công trình trong thời gian mưa lũ.