Sản phẩm OCOP từ các làng nghề truyền thống tại Việt Nam đang khởi sắc hơn do thị trường xuất khẩu được mở rộng. Đây được coi là một trong những nguồn lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế – xã hội. Chính vì thế, rất cần có thêm những cơ hội, những xúc tiến thương mại cần thiết để phát triển các sản phẩm của quê hương Việt Nam vươn tầm quốc tế.
“Sống dậy” nhờ kinh tế hợp tác xã (HTX)
Năm 1979, Phong trào “Mỗi làng một sản phẩm – OVOP” được khởi xướng tại tỉnh Oita (Nhật Bản), mang lại thành công ngoài mong đợi. Từ một tỉnh nghèo, Oita nhanh chóng vươn mình thành địa phương phồn thịnh với rất nhiều sản phẩm truyền thống đặc sắc vươn tầm thế giới.
Liên hệ tới nước ta, Việt Nam là quốc gia nông nghiệp với đặc trưng văn hóa làng xã. Ngay từ thuở lập nước, nhiều làng quê Việt Nam được những người giỏi nghề lập ra hoặc truyền dạy nghề để chuyên sản xuất một loại sản phẩm cung ứng cho thị trường.
Để vực dậy nghề truyền thống, khi mà các làng nghề đang có nguy cơ mai một, HTX phát triển các sản phẩm OCOP đi lên từ làng nghề đang là một trong những hình thức phát triển hiệu quả, tạo cơ hội phát triển cho các vùng nông thôn.
Kế thừa và phát huy nghề chè truyền thống chủ lực của quê hương Thái Nguyên, huyện Đại Từ đã có những chủ trương phát triển các HTX chè truyền thống. Nổi bật là HTX chè La Bằng được đánh giá cao về hiệu quả sản xuất kinh doanh và hiệu quả xã hội. Được thành lập từ ngày 06/12/2006, đến nay HTX đã có 15 thành viên, thuộc xóm Rừng Vần, xã La Bằng.
Hoạt động của các HTX và tổ hợp tác sản xuất chè trên địa bàn đều tạo ra sản phẩm chè chất lượng, an toàn, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân đạt 57,4 triệu đồng/người/năm và giải quyết việc làm cho khoảng 1.200 người trên địa bàn xã La Bằng. Cùng với đó là phát triển du lịch, tạo dựng một đặc sản quê hương tới bạn bè quốc tế. Qua đó, cây chè chủ lực của Thái Nguyên được chú trọng đầu tư, phát triển, góp phần nâng cao vị thế thương hiệu chè Thái Nguyên. Có thể kể đến sản phẩm Thanh Hải Trà (đạt OCOP 4 sao) là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp quốc gia năm 2019; sản phẩm Đinh Tâm Trà của HTX được lựa chọn làm quà tặng cho các Nguyên thủ quốc gia trong Hội nghị cấp cao APEC diễn ra tại Hà Nội năm 2017.
Một đại diện tiêu biểu khác, thị trấn Chũ (huyện Lục Ngạn, Bắc Giang) là nơi có nghề Mỳ Gạo truyền thống nổi tiếng. Sản phẩm đặc sản Mỳ gạo làng nghề Thủ Dương đều do những người thợ giỏi, những nghệ nhân có tay nghề gia truyền với “bí quyết” và sự cần cù sáng tạo, kết hợp giữa truyền thống và áp dụng công nghệ máy móc hiện đại đã tạo dựng nên một đặc sản vùng miền nức tiếng gần xa.
Việc hình thành các HTX từ làng nghề đã tạo công ăn việc làm ổn định thường xuyên cho hàng nghìn lao động là hội viên Nông dân tại địa phương. Đồng thời, góp phần xóa đói giảm nghèo cho nhiều hộ gia đình khi nghề Mỳ được coi trọng là nghề chính, nghề mũi nhọn của địa phương với 80% hộ gia đình làm giàu chính đáng từ nghề Mỳ.
Thành lập từ năm 2007 đến nay, HTX sản xuất và tiêu thụ mỳ Chũ Nam Thể (trước là HTX sản xuất và tiêu thụ mỳ gạo Thủ Dương) đã tích cực đưa sản phẩm tham gia trưng bày tại các hội chợ lớn ở các tỉnh, đem sản phẩm đi quảng bá, xúc tiến thương mại trên khắp các thị trường, xây dựng trang web để quảng bá sản phẩm, tiếp cận bán hàng trên mạng xã hội, các sàn TMĐT, liên kết với các công ty, doanh nghiệp có tiềm năng để tìm kiếm thị trường nước ngoài. Từ nhiều năm nay, Mỳ chũ đã được các CTXNK xuất khẩu chính ngạch sang nhiều nước châu á và các nước Châu Âu: Nhật Bản, Thái Lan, Hàn Quốc, Trung Quốc, Nga, Đức…
Bài toán đi ra thế giới
Mặc dù đã có những sản phẩm OCOP xuất hiện trên các kệ hàng ngoài đất nước, nhưng hiện tại, điển hình như tại HTX Chè La Bằng, đại diện HTX cho rằng thường thì khách hàng xách tay nhiều hơn. Bên cạnh đó có những đơn vị trung gian chỉ nhập nguyên liệu về tự chế biến theo công thức của họ, rồi đóng thành phẩm và nhãn mác thương hiệu của chính đơn vị đó rồi xuất khẩu đi nước ngoài. Đôi khi, chính vì thế mà những sản phẩm mà người Việt ta lại nhập về với giá thành rất cao.
Còn tại làng nghề mỳ gạo Thủ Dương, đại diện HTX sản xuất và tiêu thụ mỳ Chũ Nam Thể cũng chia sẻ: “Các sản phẩm mỳ Chũ ở các HTX hiện nay vẫn đang được nhập và thuê đóng gói với thương hiệu 1 doanh nghiệp khác trong 7 – 8 năm qua và họ vẫn xuất khẩu đi nước ngoài đều. Còn chính HTX của chúng tôi thì chưa được trực tiếp xuất đi”.
Không thể phủ nhận, nhờ đưa sản phẩm truyền thống vươn ra thế giới, nhiều ngôi làng ở Việt Nam đã “thay da đổi thịt”, trở thành những làng giàu có, như: Gốm sứ Bát Tràng, lụa Vạn Phúc, gốm Thổ Hà, gốm Chu Đậu, đồ gỗ mỹ nghệ Đồng Kỵ, thêu Ninh Hải, khảm trai Chuôn Ngọ… Tuy nhiên, cũng phải thừa nhận, rất nhiều làng nghề Việt Nam dù có sản phẩm khá đặc trưng, đặc sắc, nhưng chưa có cách thức tổ chức sản xuất, kinh doanh phù hợp, dẫn tới không những không mở rộng được thị trường, mà còn ngày càng bị “teo tóp” do không cạnh tranh được với hàng hóa nhập khẩu giá rẻ.
Hơn thế nữa, khi mà chưa có chính sách xúc tiến thương mại, quảng bá phù hợp và đặc biệt là chính sách xuất khẩu trực tiếp hợp lý thì cánh cửa đi ra thế giới của các sản phẩm OCOP từ làng nghề sẽ còn gặp rất nhiều chướng ngại, vướng mắc. Các làng nghề không có một định hướng, chưa có sự đầu tư hỗ trợ để chính tay mình mang sản phẩm ra thế giới. Không chỉ là bài toán về kinh tế, mà còn là bài toán về phát triển du lịch, quảng bá và bảo tồn những giá trị văn hóa mang nghề truyền thống mang lại. Vì thế rất cần thiết có nhiều cơ chế, tập trung hơn cho các HTX phát triển sản phẩm OCOP từ làng nghề để có thể đẩy mạnh xúc tiến thương mại phát triển các sản phẩm của quê hương Việt Nam đi ra thế giới.