Đó là lưu ý của Chi cục Thuỷ sản tỉnh Thừa Thiên Huế trước tình trạng nguồn nước đầm phá gần như ngọt hoá hoàn toàn.
Cán bộ thuỷ sản kiểm tra môi trường nước đầm phá.
Kết quả quan trắc cho thấy, đầm phá gần như ngọt hóa hoàn toàn, trong đó các điểm có một trong các thông số NH4+-N; NO2—N, TSS (giá trị tổng chất lơ lửng) đang tiệm cận ngưỡng giới hạn cho phép để nuôi trồng thủy sản, như tại Thủy Diện (xã Phú Xuân), Hiền Hòa (xã Vinh Hiền), Viễn Trình (thị trấn Phú Đa), Cồn Tè (xã Hương Phong). Vì vậy, các vùng nuôi và dưỡng giống cần lưu ý khi cấp nước vào ao, dùng test kit đo nhanh môi trường và có biện pháp kỹ thuật để điều chỉnh một số yếu tố môi trường (pH, độ kiềm,…) ở mức phù hợp nhất cho thủy sản nuôi.
Các thông số môi trường tại vùng nuôi trên cát ven biển tại huyện Phong Điền và nuôi cá lồng trên sông đảm bảo trong giới hạn cho phép; trừ TSS ở vùng ven biển đang ở mức khá cao gần ngưỡng giá trị giới hạn tại QCVN 08 – MT:2015/BTNMT (< 50 mg/l) cần phải xử lý để hạn chế dịch bệnh trong điều kiện thời tiết rét như đen thân, bệnh do vi khuẩn ở tôm nuôi, các bệnh nấm mang, rận, virus mùa xuân ở cá.
Theo Đài Khí tượng thủy văn tỉnh, trong 2 tháng đầu năm 2023, dự báo mỗi tháng có khả năng xuất hiện 2-4 đợt không khí lạnh và không khí lạnh tăng cường với cường độ trung bình đến mạnh gây ra các đợt rét đậm, rét hại. Do đó, khuyến cáo người dân tại các vùng nuôi trên cát ven biển (tôm chân trắng, ốc hương, cá…), vùng nuôi dưỡng giống thủy sản và vùng nuôi thủy sản có lịch thả giống vào đầu năm 2023 đề phòng và theo dõi chặt chẽ thời tiết để có biện pháp chống rét cho vật nuôi; thực hiện quy trình kỹ thuật tốt trong cải tạo ao, điều chỉnh yếu tố môi trường nước và chọn thời điểm phù hợp thả giống thủy sản, tránh trường hợp khi thả giống gặp nhiệt độ nước quá thấp làm tỷ lệ sống của vật nuôi không cao.