Lão nông với vườn cây trái bạc triệu

Từ một vùng đất đồi khô cằn, sỏi đá trồng bạch đàn không hiệu quả, nhưng với sự quyết tâm, nỗ lực, ông đã biến nơi đây trở thành vườn cây ăn trái trĩu quả, cho thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm… Đó là lão nông Bùi Văn Kiên ở thôn Đồng Quạ, xã Đạo Trù, huyện Tam Đảo (tỉnh Vĩnh Phúc).

Ông Bùi Văn Kiên chăm sóc những cây nhãn siêu ngọt chín muộn trong vườn. Ảnh: Thiệu Vũ.

Qua một vài người bạn học cũ, chúng tôi được biết trên địa bàn xã Đạo Trù, giáp với tỉnh Tuyên Quang có một mô hình trồng nhiều loại cây ăn quả khá quy mô và bài bản, cho hiệu quả kinh tế cao do người dân nơi đây gây dựng từ những vườn đồi khô cằn.

Sau khi nghiên cứu thêm thông tin và hẹn nhờ cán bộ xã Đạo Trù dẫn đường, chúng tôi quyết định phải đến tận nơi để ‘mục sở thị’ thực tế, cũng như tìm hiểu cái cách mà chủ nhân đã gây dựng, phát triển vườn cây của mình.

Từ trung tâm xã, chúng tôi mất hơn 20 phút di chuyển bằng ô tô qua quãng đường chỉ vài ba cây số. Bởi là đường bê tông, đường nhựa nhưng nhiều đoạn đường khá hẹp, sau nhiều năm sử dụng đã xuống cấp, mặt đường nham nhở ‘ổ voi, ổ gà’.

Chúng tôi đến nơi cũng vừa lúc ông Kiên đi công chuyện về, chiếc xe bán tải mới coong trị giá cả tỷ bạc chở đầy các bao tải phân bón leo vội lên ga ra để xe cạnh nhà.

Bố trí xong chỗ ngồi, nước uống cho khách, ông Kiên xin phép ra vườn, ít phút sau ông trở lại với một giỏ đầy nhãn, ổi. Mời khách thưởng thức những quả ngọt từ vườn cây trái của mình, ông Kiên hào hứng chia sẻ: ‘Nhãn tôi trồng là giống nhãn siêu ngọt nhập từ Hưng Yên về.

Quả to, cùi dày, mặc dù hơn tháng nữa mới chín, nhưng giờ ăn đã rất ngọt rồi. Tôi lựa chọn trồng nhãn chín muộn để không bị rớt giá khi vào chính vụ. Năm nay, cây mới bắt đầu cho thu hoạch, nhưng dự kiến với hơn 700 cây tôi sẽ thu được gần chục tấn quả. Riêng với vài trăm cây ổi, từ đầu năm đến nay, tôi cũng thu hoạch rải rác được khoảng 7-8 tấn.

Hơn 700 cây bưởi đang có khoảng 2 vạn quả, ngoài ra còn có mít, na và một số cây ăn quả khác, thu nhập cũng kha khá’.

Tiếp câu chuyện, ông Kiên cho biết: ‘Trước đây, toàn bộ hơn 5,4 mẫu (gần 2 ha) diện tích đất trồng cây ăn quả của ông hiện nay là đất đồi trồng bạch đàn, hiệu quả kinh tế thấp.

Khoảng 5 năm về trước, sau khi có cơ duyên được tham quan một số mô hình trồng cây ăn quả ở các địa phương, tôi đã nghiên cứu, tự tìm hiểu kiến thức, rồi quyết định đầu tư gần 400 triệu đồng cải tạo toàn bộ diện tích, mua cây giống, phân bón để trồng cây ăn quả.

Khi bắt tay vào làm, mọi việc không dễ dàng, từ việc chọn giống, trồng, chăm sóc cây, đặc biệt là vấn đề nước tưới cho cây trồng, bởi đất đồi tích nước kém, cây không có nước nên thường còi cọc, kém phát triển.

Sau nhiều đêm suy nghĩ, tôi quyết định đầu tư một bể chứa nước lớn trên đỉnh đồi và hệ thống ống dẫn nước đến từng khu vực trong vườn để tiện cho việc tưới nước, chăm sóc cây’.

Các loại cây giống đều được ông Kiên lựa chọn kỹ từ các cơ sở uy tín, đảm bảo chất lượng. Cùng một giống cây trồng sẽ lựa chọn các loại khác nhau, có thời gian chín, thu hoạch khác nhau để rải vụ, tránh mất giá khi vào chính vụ.

Chẳng hạn với cây nhãn, ông chọn nhãn siêu ngọt Hưng Yên chín muộn khoảng 1 tháng so với chính vụ; bưởi ông trồng nhiều loại như bưởi đường chín sớm, bưởi da xanh, bưởi diễn…

Cùng với đó, việc sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật đều được ông kiểm soát chặt chẽ, tuân thủ đúng quy trình và ưu tiên sử dụng các loại phân bón hữu cơ, thuốc bảo vệ thực vật sinh học để đảm bảo chất lượng sản phẩm.

Nhờ vậy, cây trồng của gia đình ông Kiên sinh trưởng, phát triển tốt, sau 2-3 năm trồng đã bắt đầu cho quả. Năm nay, vườn cây của ông đã được hơn 5 tuổi, tuy nhiên mới là năm thứ 2 ông chính thức thu hoạch các loại quả để bán, nhưng thu nhập dự kiến sẽ không dưới 300 triệu đồng.

Dự kiến những năm sau, khi các loại cây đã đủ tuổi, chi phí đầu tư sẽ giảm xuống, năng suất chất lượng quả tăng lên, khi đó thu nhập sẽ cao hơn nhiều so với mức thu nhập như hiện nay.

Ông Kiên chia sẻ: ‘Sản xuất nông nghiệp luôn tiềm ẩn nhiều rủi ro về thiên tai, dịch bệnh, thị trường tiêu thụ, vì vậy, bên cạnh nỗ lực, quyết tâm, sự chủ động của chính mình, người nông dân rất cần được các cấp, các ngành, địa phương hỗ trợ về vốn vay ưu đãi, kiến thức sản xuất, nhất là quảng bá xây dựng thương hiệu, ổn định thị trường tiêu thụ… để yên tâm phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập’.