Kỳ vọng vải thiều trên đất Tây Nguyên

Người Tây Nguyên đã làm chủ được công nghệ thúc hoa cho cây vải, giúp nông dân ở những vùng rừng nghèo, vùng hồ tiêu bị chết tìm thấy hy vọng.

Dẫu sản lượng vải ở các tỉnh Tây Nguyên chẳng là gì so với ngành cà phê, hồ tiêu tỷ đô của xứ bazan, còn khiêm tốn so với cây sầu riêng nghìn tỷ, nhưng người trồng vải nơi đây đang quyết tâm đưa trái vải ở cao nguyên chinh phục những thị trường khó tính, tạo thêm một chân kiềng cho kinh tế nông nghiệp ở khu vực.

Những tỷ phú ở vùng 3

Ea Sar vốn là xã vùng 3 đặc biệt khó khăn của huyện Ea Kar, tỉnh Đắk Lắk. Cả xã chẳng có gì đáng chú ý ngoài Khu bảo tồn thiên nhiên Ea Sô, được cho là có dấu vết của loài bò tót và bò xám đặc biệt quý hiếm. Nhưng hiện nay, Ea Sar là địa chỉ rất thu hút với những người mê ăn vải siêu sớm, khi cứ sang tháng 4 và nửa đầu tháng 5, những trang trại vải ở đây vào mùa.

Theo ông Nguyễn Văn Bình, thôn 10, xã Ea Sar, vụ vải vừa rồi, với 6ha ông thu gần trăm tấn. Suốt vụ gần 1 tháng ròng, gia đình ông lúc nào cũng tất bật gần chục nhân công, vừa hái trái, đóng thùng chuyển đi tiêu thụ ở các siêu thị tại TP HCM, vừa cắt tỉa, chăm sóc những cây đã thu hoạch xong. Với giá trung bình 32.000 đồng/kg, ông thu được hơn 3 tỷ đồng, lãi 1,8 tỷ đồng.

“Đất pha cát ở Ea Sar rất hợp để trồng vải. Các nhà buôn ở TP HCM rất chuộng vải ở đây vì trái ngọt thanh, mọng nước, quãng đường vận chuyển gần nên giữ nguyên được độ tươi và thơm”, ông Bình cười mãn nguyện.

tay nguyen thanh cong voi loai cay "uong nuoc nguon mien bac" hinh 1
Chuyên gia hướng dẫn cách chọn vải xuất khẩu. (Ảnh: TPO)

So với ông Nguyễn Văn Bình, ông Đỗ Công Hải, cùng xã Ea Sar, còn đưa được vải đi xa hơn. Từ 2019, ông Hải đã bán được vải cho T.Vita – thương hiệu nông sản an toàn của Công ty Phát triển Nông nghiệp Cuộc sống Xanh T&T, thuộc Tập đoàn T&T. T.Vita cử chuyên gia đến tận vườn, thẩm định chất lượng (về hương, vị, độ dày cơm), hướng dẫn tận tình cho dân làng hiểu rõ cách thu hoạch quả đạt tiêu chuẩn xuất khẩu và cách bảo quản sau thu hoạch.

Vải Ea Sar được cắt rời từng trái, sàng tuyển, phân thành 2 loại: 23 – 25 quả/kg và 17 – 20 quả/kg. Từ hương vị, màu sắc đến độ dày thịt quả, độ ngọt thanh, thoảng chút vị chua nhẹ; kích thước quả vải khi đo trên sàng đa số lớn hơn 27mm, tương đương 23 – 24 quả/ký, đều rất phù hợp với khẩu vị khách hàng Trung Đông, Âu – Mỹ, vượt tiêu chuẩn yêu cầu.

Theo ông Hải, chất lượng trái vải ở Ea Sar nói riêng, Đắk Lắk nói chung, mỗi năm lại được nâng cao và đang dần tiếp cận với chất lượng của vùng canh tác gốc là Bắc Giang và Hải Dương, nhưng ưu điểm là chín sớm, dễ rải vụ, dễ tiêu thụ, hầu như không lo dội chợ. Nếu có chiến lược phát triển bền vững dựa vào chất lượng, vải Ea Kar nói riêng, Đắk Lắk và Tây Nguyên nói chung có thể đứng được ở những thị trường khó tính và có cơ hội mở rộng quy mô gấp nhiều lần hiện nay.

Sau hành trình đầy mồ hôi trong hơn 20 năm tìm cách thuần hóa loài cây gốc Bắc, đến giờ người Tây Nguyên đã làm chủ được công nghệ thúc hoa cho cây vải. Từ Ea Kar, Đắk Lắk, cây vải được mở rộng ra 4 hướng. Phía Nam, tới tận huyện vùng cao Đắk Song và Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông; phía Bắc, tới tận huyện vùng rừng Kbang, tỉnh Gia Lai. Vải đang giúp cho nông dân ở những vùng rừng nghèo, vùng hồ tiêu bị chết tìm thấy hy vọng.

Ở vùng hồ tiêu chết Chư Sê, tỉnh Gia Lai, mới chỉ sau vụ vải đầu tiên, bà Nguyễn Thị Thán ở làng Queng Mép, xã Dun đã thở phào nhẹ nhõm bởi vườn vải đã cứu được gia đình sau những năm tháng vật lộn với dịch bệnh hồ tiêu.

Bà Thán trải lòng: “Khi bắt đầu, cứ bảo nhau trồng đi, được đến đâu hay đến đó chứ chưa suy nghĩ đến đầu ra cho đau đầu. Nhưng với vụ thu hoạch đầu tiên này, tôi nghĩ rằng việc chuyển hướng của mình sang trồng vải là đúng”.

Còn ở huyện KBang, nơi kinh tế rừng vẫn là chủ đạo, 5 năm trồng rừng, một héc-ta cũng chỉ cho giá trị sản xuất hơn trăm triệu đồng. Nhận khoán bảo vệ rừng, cả làng cùng tham gia, mỗi năm cũng chỉ được chi trả đôi trăm triệu. Chính vì vậy, cây vải đang nổi lên như một “ngôi sao” định hướng nông dân.

Ấm no những miệt rừng nghèo

Sau 7 năm học “công nghệ” từ vùng vải Đắk Lắk, Kbang đã có gần trăm ha vải. Một nửa trong đó đã cho những mùa trái ngọt. Ở các xã mạnh dạn đi đầu, xã Đông, xã Nghĩa An, xã Lơ Ku… đều đã có gần chục ha được thu hoạch. Vườn vải nào ở đây cũng cho trái chín sớm, vỏ mỏng, cơm dày, vị ngọt thanh, được thị trường ưa chuộng. Và điều quan trọng, dù mới đi vào kinh doanh chưa lâu, cây vải đã cho doanh thu từ 150 triệu đồng/ha trở lên, đủ để đưa các hộ trồng vải ra khỏi diện hộ nghèo.

Những hộ đầu tàu của nghề trồng vải, như hộ ông Lê Văn Hùng (thôn 1, xã Nghĩa An), hộ ông Lương Văn Thịnh (tổ 7, thị trấn Kbang) đã khá lên trông thấy, với mức thu nhập tới gần 300 triệu đồng/năm, hơn bất cứ cây trồng truyền thống nào ở huyện.

Chị Nguyễn Thị Thu Hương, nguyên là cán bộ Hội Nông dân Đắk Lắk, giờ mở công ty riêng, đặt tên là Hương Cao nguyên, đang cùng nông dân trong tỉnh tìm kiếm thị trường cho vải và nhiều loại rau, quả khác. Đi thực địa nhiều, chị Hương càng ấn tượng với vải cao nguyên, bởi cây này không lấn sân cà phê, hồ tiêu, không tranh đất của bơ hay sầu riêng, mà khiêm tốn nhận những phần cằn cỗi nhất. Những nơi lởm chởm đá mẹ đá con, cây bản địa cũng khó sinh trưởng, thì vải mọc ở đấy tốt tươi, thơm ngọt.

Cảm xúc hơn với chị Hương là cái tình của nông dân trồng vải. 7 huyện với diện tích tập trung – khoảng cách địa lý không quá xa cũng không phải gần nhưng nông dân trồng vải gần như biết nhau, nhà này qua nhà kia học. Nông dân vùng nào có kỹ thuật tốt sẵn sàng qua vùng khác hướng dẫn tận tình. Họ đối với nhau rất thân thương, trìu mến. Đến với người trồng vải, ai cũng sẽ yêu họ hơn nhiều bởi tinh thần ấy!

tay nguyen thanh cong voi loai cay "uong nuoc nguon mien bac" hinh 2
Chất lượng và kích thước trái vải Ea Sar vượt mức yêu cầu. (Ảnh: TPO)

Chị Hương cho rằng, hiện nay vải Đắk Lắk chủ yếu tiêu thụ ở thị trường nội địa, chưa xuất khẩu nhiều ra thị trường quốc tế nên hiệu quả kinh tế chưa cao. Để xuất khẩu, ngành chức năng cần hỗ trợ người trồng xây dựng thương hiệu vải riêng cho địa phương. Muốn làm được việc này, các cơ quan quản lý nhà nước cần hỗ trợ nông dân nâng cao chất lượng trái cây bằng cách chuyển đổi mô hình hộ cá thể sang hợp tác xã; đẩy mạnh áp dụng khoa học công nghệ sản xuất vải theo tiêu chuẩn VietGap; xúc tiến thương mại, tìm đầu ra xuất khẩu cho sản phẩm…

Riêng Công ty CP Dịch vụ nông nghiệp Hương Cao nguyên, sau nhiều nỗ lực, đã có mạng lưới liên kết sản xuất – tiêu thụ vải gồm cả trăm nhà vườn ở Đắk Lắk, và đưa ra thị trường 6 nghìn tấn trong vụ này. Vụ vải trùng với mùa phòng chống đại dịch Covid-19 khiến giá cả không được như mong đợi, nhưng nhìn những vườn vải đỏ rực dưới chân những phiến đá bị đốt đến cháy đen, bà chủ của Công ty Hương Cao nguyên, cộng sự chân thành của người trồng vải cảm nhận: Đá với sỏi vẫn cho bạt ngàn hoa trái, vậy giới hạn nào cho những con người?

“Đừng đặt cho mình giới hạn nào và tôi cũng vậy, luôn nghĩ: Đây không phải giới hạn cuối cùng. Với người trồng vải, chúng tôi đã hỗ trợ chia sẻ cách thu hái, đóng gói, bảo quản theo tiêu chuẩn xuất khẩu. Chắc chắn sau mỗi năm mẫu mã đều đẹp hơn, chất lượng sẽ ngon hơn nhiều theo cách thương lái vẫn buôn về Sài Gòn như mọi năm. Nếu các thị trường nước ngoài trở lại bình thường, họ sẽ mua vải loại ngon giá cao”, chị Hương chia sẻ.

Loại cây “uống nước nguồn miền Bắc” đang tiếp thêm sức lực cho nông dân Tây Nguyên vượt qua khó khăn của biến đổi khí hậu, của bất lợi thị trường. Không tranh giành với cây khác, chỉ cần mẫn chắt lọc, vun bồi và sẻ chia, là triết lý mà vải thiều và những người trồng vải đang lan tỏa, để cùng nhau vượt qua mọi giới hạn. Câu chuyện vải thiều Tây Nguyên đang tiếp tục được kể đều đặn qua các năm, ở những vùng đất khô, đất khó./.