Khởi nghiệp thành công nhờ nuôi ba ba sinh sản

Đến tham quan mô hình nuôi ba ba của anh Phạm Văn Phèo, xã Kế An, huyện Kế Sách (Sóc Trăng), nhiều người phấn khởi trước thành quả mà một đoàn viên như anh Phèo đã đạt được trong quá trình lập nghiệp, bởi chỉ với vài trăm con ba ba nuôi trong chiếc vèo lưới mà giờ đây số lượng ba ba lên đến cả ngàn con trong những ao đất rộng lớn.

Đưa chúng tôi đi một vòng ao nuôi ba ba, anh Phèo hồ hởi chia sẻ: “Năm 2018, tôi bắt đầu “khởi nghiệp” chỉ với 300 con ba ba, số lượng con giống ít nên chỉ nuôi bằng vèo lưới trong ao. Sau khoảng 8 tháng nuôi, mỗi con ba ba nặng từ 1 – 1,2kg. Tôi thấy ba ba phù hợp điều kiện tự nhiên tại địa phương và ba ba có giá trị kinh tế cao nên tôi mạnh dạn phát triển đàn lên số lượng lớn, bằng cách chọn những con ba ba cái có chất lượng tốt nuôi sinh sản, số còn lại bán ra thị trường, thu về lợi nhuận hơn 40 triệu đồng”.

Cũng theo lời anh Phèo, từ số tiền bán ba ba của đợt nuôi đầu tiên, anh đào ao để mở rộng số lượng nuôi ba ba sinh sản, ba ba thương phẩm. Qua từng năm nuôi, số lượng ba ba giống tăng lên đáng kể, tính đến thời điểm hiện tại, anh đã có số lượng ba ba cái sinh sản là 300 con, 1 năm chúng sẽ đẻ 2 đợt (tháng 2 âm lịch và tháng 10, 11 âm lịch), bình quân 1 con ba ba đẻ từ 10 – 12 trứng; trứng ấp trong thời gian 58 – 60 ngày sẽ nở thành con, tỷ lệ nở đạt 90%. Ước tính tổng số lượng con thu về từ 4.000 – 5.000 con/năm, trong số đó để lại 1.000 con nuôi bán thương phẩm, còn lại sẽ bán ra thị trường, với giá từ 2.000 – 5.000 đồng/con (sau một tuần ấp nở). Tính riêng trong năm 2022, với số lượng ba ba thương phẩm và con giống xuất bán ra thị trường, anh thu về số tiền hơn 70 triệu đồng.

Anh Phạm Văn Phèo, xã Kế An, huyện Kế Sách (Sóc Trăng) khoe con ba ba sinh sản có trọng lượng lớn lên đến vài ký sau vài năm nuôi. Ảnh: THÚY LIỄU

Nhanh chân bước vào “chuồng” được làm bằng những miếng ván dựng lại thành hình vuông cặp mé ao dành cho ba ba lên sinh sản, dùng tay bắt 1 con ba ba đưa lên cho mọi người xem thử, anh Phạm Văn Phèo cho biết: “Hơn 5 năm nuôi ba ba, tôi đã đúc kết được một số kinh nghiệm. Đó là phải cung cấp đầy đủ thức ăn để chúng phát triển tốt (chủ yếu các loại cá tươi), thay nước ao nuôi 20 ngày/lần, sát trùng ao nuôi 3 lần/tháng và trộn một số thuốc phòng ngừa bệnh ngoài da vào thức ăn cho ba ba ăn 1 lần/tuần, áp dụng đúng kỹ thuật trên sẽ giúp ba ba tăng trưởng tốt. Ngoài nuôi ba ba, tôi còn xây hồ ximăng để nuôi hơn 100 con cua đinh, trong đó có 32 con nuôi sinh sản, số còn lại nuôi thương phẩm. Riêng với số lượng cua đinh nuôi thương phẩm, nếu xuất bán thu về số tiền hơn 100 triệu đồng. Tuy nhiên, tôi duy trì số lượng nuôi cua đinh thương phẩm lên tầm 500 – 600 con mới bán. Dự định tới, tôi sẽ nâng số lượng ba ba nuôi thương phẩm lên 2.000 – 3.000 con/năm cung ứng ra thị trường và tăng số ba ba sinh sản lên 500 con, nhằm đáp ứng nhu cầu đặt mua con giống của bà con”.

Chị Trần Thị Minh Thư – Phó Bí thư Xã đoàn Kế An nhận xét: “Anh Phạm Văn Phèo là một trong những đoàn viên gương mẫu tại địa phương. Anh rất nhiệt tình tham gia công tác đoàn, hội do địa phương phát động, đặc biệt anh là tấm gương làm kinh tế giỏi đã được ban ngành, đoàn thể ghi nhận và tuyên dương khen thưởng. Thông qua thực tế từ mô hình nuôi ba ba đã đem lại nguồn thu nhập tốt cho anh Phèo, Xã đoàn Kế An sẽ tuyên truyền nhân rộng mô hình đến các bạn đoàn viên, thanh niên trong thời gian tới”.

Với mô hình nuôi ba ba của anh Phèo, các bạn trẻ nếu có điều kiện phù hợp có thể học hỏi làm theo, để phát triển thêm mô hình chăn nuôi tại hộ, góp phần làm giàu cho bản thân và gia đình.