Khởi động trong thận trọng

Giá tôm tăng cao từ cuối năm 2022 tiếp tục kéo dài đến giữa tháng 2/2023. Nhu cầu tôm nguyên liệu trên thị trường vẫn còn cao, nhưng tiến độ thả tôm năm nay có phần chậm hơn so với cùng kỳ do ảnh hưởng thời tiết và độ mặn còn thấp. Tuy nhiên, trước dự báo mặn có khả năng lên cao và xâm nhập sâu vào nội đồng thời gian tới, tiến độ thả nuôi vụ tôm nước lợ năm nay sẽ nhanh chóng được cải thiện.

Do mới là đầu vụ nên sản lượng tôm không nhiều, trong khi nhu cầu tiêu thụ tôm nội địa tăng mạnh, nên giá tôm vẫn giữ được ở mức cao. Một đại lý chuyên thu mua tôm cho nhà máy chế biến ở Sóc Trăng, chia sẻ: “Từ trước tết Nguyên đán tới giờ rất khó mua được tôm do một số đại lý thu mua tôm ôxy (tôm tươi sống-NV) đi Thành phố Hồ Chí Minh và ra Bắc đẩy giá lên cao hơn so với nhà máy từ 5.000 – 15.000 đồng/kg (tùy theo cỡ tôm)”.

Còn theo ông Võ Văn Phục – Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Thủy sản sạch Việt Nam, giai đoạn này làm càng nhiều lỗ sẽ càng nhiều, vì giá tôm trong nước thì cao, giá xuất khẩu thì bị đè xuống thấp. Tuy nhiên, doanh nghiệp vẫn cố gắng thu mua một lượng tôm nhất định để duy trì sản xuất phục vụ cho các đơn hàng đã ký cũng như để giữ chân lao động, nên giá tôm từ sau Tết đến nay vẫn giữ được ở mức cao.

Giá tôm tuy hấp dẫn nhưng nhìn chung tiến độ thả nuôi vụ tôm nước lợ năm 2023 vẫn diễn ra chậm hơn so với cùng kỳ. Tại tỉnh Sóc Trăng, đến giữa tháng 2, toàn tỉnh mới thả nuôi được 553,7ha, bằng 57,5% so với cùng kỳ, trong đó, diện tích thả nuôi tôm thẻ 494,7ha và tôm sú là 59ha. Ông Ngô Công Luận – Giám đốc Hợp tác xã Nông ngư 14/10 Hòa Nhờ A, xã Hòa Tú 2, huyện Mỹ Xuyên (Sóc Trăng) cho biết: “Giá tôm tăng cao từ cuối năm ngoái đến nay nên ai cũng muốn thả nuôi sớm để bán được giá, nhưng kẹt một điều là độ mặn đến giờ vẫn chưa đạt yêu cầu. Hiện phần lớn đều đã cải tạo ao hoàn chỉnh chỉ chờ con nước đủ độ mặn là lấy vào xử lý để thả giống thôi”.

Bước sang tháng 2, thời tiết khu vực đồng bằng sông Cửu Long đã ít lạnh hơn vào buổi tối và sáng sớm so với tháng 1. Những cơn mưa trái mùa cũng gần như dứt hẳn, đồng thời độ mặn dự báo sẽ tăng lên nên khả năng tiến độ thả nuôi sẽ tăng nhanh trong nửa cuối tháng 2 và tháng 3 tới. Tại các vùng nuôi tôm, công tác chuẩn bị ao nuôi càng trở nên tất bật hơn bao giờ hết khi mấy ngày gần đây, gió chướng bắt đầu thổi mạnh trở lại, báo hiệu mặn sẽ tăng lên trong con nước triều cuối tháng Giêng (âm lịch) tới. Tuy nhiên, đây chỉ mới là điều kiện cần, còn điều kiện đủ là người nuôi phải cải tạo ao nuôi thật tốt, phải làm sao cắt đứt được mầm bệnh lưu tồn từ vụ nuôi trước và nếu có điều kiện nên nâng cấp ao nuôi lót bạt đáy, chọn con giống tốt để đảm bảo tỷ lệ thành công được cao hơn.

Thường xuyên kiểm tra tôm nuôi để có biện pháp xử lý kịp thời giúp vụ nuôi thành công. Ảnh: TÍCH CHU

Không chỉ cẩn trọng trước thời tiết và môi trường, những dự báo thị trường xuất khẩu tôm vẫn tiềm ẩn nhiều khó khăn. Ông Hồ Quốc Lực – Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Thực phẩm Sao Ta, hiện các nhà nhập khẩu vẫn đang tồn kho khá nhiều do sức tiêu thụ dịp Noel và đầu năm mới 2023 thấp. Vì vậy, khi thảo luận đơn hàng mới, họ đưa ra mức giá rất thấp cho kỳ hạn giao hàng quý III/2023. Qua trao đổi với người viết về triển vọng hợp đồng sắp tới, hầu hết các doanh nghiệp đều cho rằng chưa thể nói trước được mà tất cả còn đang chờ thông tin từ vụ thu hoạch tôm của các nước Nam bán cầu (Ecuador, Indonesia) và sự kiện hội chợ thủy sản quốc tế tổ chức tại Tây Ban Nha vào tháng 4 tới đây.

Bên cạnh yếu tố thời tiết, môi trường và thị trường, việc một số dịch bệnh nguy hiểm trên tôm vẫn chưa được kiểm soát hoàn toàn cũng là vấn đề mà người nuôi cần quan tâm trước khi vào vụ mới. Thực tế cho thấy, tuy chưa nhiều, nhưng ngay đầu vụ nuôi này, tại một số vùng nuôi đã xuất hiện một số bệnh nguy hiểm trên tôm, như: EHP, đốm trắng, gan tụy. Do đó, cả doanh nghiệp lẫn ngành nông nghiệp các địa phương đều khuyến cáo người nuôi cần hết sức thận trọng, không nên thả nuôi ồ ạt mà nên thả nuôi thăm dò, khi thấy thuận lợi thì mới thả nuôi hết diện tích. Mặt khác, nếu có điều kiện nên nâng cấp mô hình nuôi, ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến để giúp hạn chế rủi ro thiệt hại và đạt tỷ lệ nuôi thành công cao.

Sự thận trọng là điều hết sức cần thiết, hầu như người nuôi nào cũng biết, nhưng trước sức hấp dẫn của giá tôm, của các chương trình khuyến mãi tặng 30 – 40% tôm giống và nhất là mức lợi nhuận của những hộ nuôi sớm thu hoạch thành công… người nuôi rất dễ quên đi những khuyến cáo từ ngành chức năng. Hy vọng mọi thứ sẽ được người nuôi cân nhắc để sự khởi đầu vụ nuôi mới được suôn sẻ, tạo tiền đề tốt để ngành tôm vượt khó, về đích đúng như kế hoạch trong năm 2023 này.