Khắc phục IUU, xuất khẩu thủy sản Bình Định tăng ngoạn mục

11 tháng qua, kim ngạch xuất khẩu thủy sản của tỉnh Bình Định đạt hơn 155 triệu USD, tăng gần 68% so với cùng kỳ và ước tính cả năm 2022 sẽ đạt hơn 166 triệu USD.

Năm nay, ngành xuất khẩu thủy sản nói chung và sản phẩm cá ngừ đại dương nói riêng ở tỉnh Bình Định gặp nhiều khó khăn. Ngư trường đánh bắt suy giảm, giá xăng dầu tăng cao, xuất khẩu vào thị trường châu Âu, Mỹ đầy những rào cản do các chế tài chặt chẽ quy định về hoạt động khai thác bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU). Trong khó khăn, ngư dân, DN và hiệp hội đồng hành, hỗ trợ nhau bước vượt qua khó khăn, dần tìm hướng đi bền vững.

Kiểm tra chất lượng cá ngừ để xuất khẩu nguyên con sang Nhật Bản.

Thời điểm đầu năm giá xăng dầu tăng cao, trong khi đó sản lượng đánh bắt ngày một giảm, giá cá ngừ đại dương không tăng khiến nhiều chủ tàu ngao ngán. Ông Lê Văn Minh, ở phường Hải Cảng, thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định, chủ tàu cá BĐ 91464 chuyên hành nghề câu cá ngừ đại dương cho biết, năm nay bà con ngư dân thu nhập kém hơn mấy năm trước. “Mỗi chuyến ra khơi trung bình tàu câu được khoảng 20 con cá ngừ, chuyến nào khá mới câu được 40 con. Để tăng giá trị con cá, chủ tàu phải giữ cho cá tươi, giá đắt rẻ vẫn do DN mua bán”, ông chia sẻ.

Không chỉ ngư dân gặp khó khăn mà DN xuất khẩu thủy sản cũng đối mặt với khó khăn kép. Ảnh hưởng của suy thoái kinh tế ở châu Âu khiến đơn hàng sụt giảm. Thêm vào đó, tác động từ các chính sách của Ủy ban châu Âu đối với hoạt động khai thác bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU) cũng gây nhiều trở ngại.

Năm nay, Công ty CP Thủy sản Bình Định phấn đấu xuất khẩu đạt hơn 100 triệu USD. Thế nhưng, hiện nay xuất khẩu thủy sản ở Bình Định sang thị trường châu Âu (EU) gặp khó bởi các hệ lụy từ thẻ vàng EU. Càng khó khăn hơn khi sắp tới đây, thị trường Mỹ cũng sẽ áp dụng IUU. Khi áp dụng IUU, thủy sản Việt Nam xuất khẩu sang thị trường này sẽ bị kiểm tra 100% lô hàng. Sự kiểm tra ngặt nghèo này khiến DN chậm trễ trong việc cung ứng hàng cho khách, dẫn tới nhiều bất lợi vì chi phí phát sinh.

Trước những khó khăn chồng chất, các DN thủy sản ở Bình Định đang chuyển hướng tìm thị trường mới, tiềm năng hơn cho hoạt động xuất khẩu. Bà Cao Thị Kim Lan, Giám Công ty CP Thủy sản Bình Định cho biết, từ khi thị trường EU áp dụng IUU trong nhập khẩu mặt hàng thủy sản, Công ty CP Thủy sản Bình Định phải chuyển đổi mặt hàng, chuyển đổi thị trường để đối phó.

“DN phải đa dạng hóa sản phẩm, đa dạng hóa thị trường. Trước đây, DN xuất khẩu sản phẩm sang thị trường châu Âu chiếm từ 60%-70%, nhưng từ khi khu vực này áp dụng IUU, những năm gần đây DN phải chuyển mạnh xuất khẩu qua thị trường Mỹ, Trung Đông và các nước khác, thị trường châu Âu chỉ còn chiếm 20%-30% kim ngạch xuất khẩu. Việc chuyển đổi thị trường là điều kiện tất yếu các DN phải làm nếu muốn tồn tại”, bà Lan cho hay.

Nhờ chủ động, linh hoạt đa dạng hóa sản phẩm thủy sản xuất khẩu nói chung và cá ngừ nói riêng, kịp thời chuyển hướng mở rộng sang các thị trường nên kim ngạch xuất khẩu thủy sản ở tỉnh Bình Định vẫn duy trì tăng trưởng. 11 tháng năm nay, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh Bình Định đạt hơn 155 triệu USD, tăng gần 68% so với cùng kỳ năm ngoái và ước tính cả năm 2022, kim ngạch xuất khẩu thủy sản tỉnh Bình Định đạt hơn 166 triệu USD. Hiện nay, tỷ lệ cá ngừ đông lạnh xuất khẩu chiếm 50% tổng kim ngạch xuất khẩu, 45% xuất khẩu hàng cá ngừ đóng hộp và mặt hàng cá ngừ tươi sống xuất khẩu chỉ chiếm 5%.

Ông Trần Văn Hảo, đại diện Hiệp hội cá ngừ Việt Nam cho biết, trong bối cảnh suy giảm kinh tế ở khu vực châu Âu và những khó khăn từ chính thị trường này, Hiệp hội đã chủ động hỗ trợ DN tìm kiếm thị trường mới, đồng thời đa dạng các sản phẩm đồ hộp cá ngừ thay vì hàng cá ngừ tươi sống.

“Đứng trước tình hình bất ổn của các khu vực trên thế giới cũng như kinh tế thế giới, các DN khai thác và xuất khẩu cá ngừ xác định đó vừa là thách thức đồng thời cũng là cơ hội. Đặc biệt, các khu vực như ở Trung Đông hay Mỹ La tinh khi họ có bất ổn về mặt chiến sự, cũng là lúc cá ngừ đóng hộp của Việt Nam tiêu thụ rất mạnh nên đây được coi là cơ hội. Tới đây, thủy sản nói chung và ngành khai thác cá ngừ Việt Nam sẽ có thêm những cơ hội khi tận dụng lợi thế từ các Hiệp định Thương mại tự do song phương và đa phương, ví dụ như EVFTA, CP TPP… trong hoàn cảnh nào, Hiệp hội Cá ngừ vẫn sẽ tiếp tục hỗ trợ cho các DN”, ông Hảo khẳng định.