Hưng Hà (Thái Bình) phát triển nuôi cá lồng từ con đặc sản

Với điều kiện địa lý thuận lợi, có 3 sông lớn chảy qua là sông Hồng, sông Luộc và sông Trà Lý nên nghề nuôi cá lồng tại huyện Hưng Hà (Thái Bình) những năm qua không ngừng phát triển. Đặc biệt, trong dịp tết Nguyên đán Quý Mão 2023, giá một số loại cá đặc sản như cá lăng, cá chép giòn tăng mạnh. Các hộ nuôi cá lồng như được hồi sinh sau 2 năm chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19. Đây cũng là động lực để người dân mở rộng diện tích và chú trọng lựa chọn các loại cá giống cho giá trị kinh tế cao.

Năm 2022, giá cá lăng tăng đột biến từ 60.000 đồng/kg lên 120.000 đồng/kg; cá chép giòn cũng chạm mốc 170.000 đồng/kg, vì thế hơn 30 lồng cá của anh Nguyễn Đại Dương, xã Điệp Nông cho thu hoạch khoảng 80 tấn cá các loại với tổng giá trị lên tới hàng tỷ đồng. Sau khi trang trải chi phí chăn nuôi, anh Dương quyết định mở rộng thêm diện tích nuôi thả và xuống giống hơn 2 vạn cá lăng và cá chép giòn.

Anh Dương cho biết: Lợi thế lớn nhất của nuôi cá lồng trên sông chính là nguồn nước luôn động, ít bị ô nhiễm nên có thể thả các loại cá với mật độ cao để tận dụng mặt nước, đồng thời nguồn thức ăn tự nhiên dồi dào hơn so với nuôi nội đồng nên cá lớn nhanh và ít bị bệnh. Chính vì vậy, năm nay tôi tiếp tục mở rộng từ 4 – 6 lồng cá. Nuôi cá lồng trên sông mang lại hiệu quả kinh tế cao. Tuy nhiên, vốn đầu tư ban đầu lớn, rủi ro cao, do đó tôi luôn phải nắm chắc kỹ thuật nuôi cũng như áp dụng tốt biện pháp phòng, chống thiên tai bảo vệ an toàn cho cá ngay từ đầu vụ.

Tại khu vực nuôi cá lồng của anh Trần Đức Thành, xã Độc Lập, thời điểm này anh đang tập trung gia cố lồng bè, vệ sinh lưới để chuẩn bị cho vụ nuôi thả mới. Năm nay, bên cạnh những loại cá truyền thống như rô phi, diêu hồng, trắm giòn…, anh Thành còn mở rộng thêm diện tích nuôi một số loại cá đặc sản như cá lăng và xuống giống hơn 2.000 cá koi.

Anh chia sẻ: Hiện nay tôi đầu tư 14 lồng cá để chăn nuôi các loại cá đặc sản. Năm 2022, tôi xuất bán trên 20 tấn cá, thu lãi gần 1 tỷ đồng. Năm nay tôi đầu tư mỗi lồng 2.000 – 3.000 đầu cá, trong đó cá lăng chiếm 1/3 số lượng cá trong các lồng. Đây là các loại cá chất lượng thịt thơm ngon, thành phần dinh dưỡng cao, phù hợp với người tiêu dùng nên không phải lo đầu ra cho sản phẩm. Để nuôi cá lồng trên sông đạt hiệu quả cao, người nuôi cần lưu ý các kỹ thuật như vị trí đặt lồng, chọn cá giống, quản lý, chăm sóc… Trong quá trình nuôi, mỗi tuần vệ sinh lồng 1 lần, loại bỏ rác trôi nổi và các vật cứng bám vào cụm lồng nuôi, vớt bỏ thức ăn thừa trong lồng bè. Bên cạnh đó, cần áp dụng triệt để các biện pháp phòng bệnh cho cá. Nếu bảo đảm được nguồn nước sạch, chăm sóc đúng kỹ thuật, hiệu quả kinh tế nuôi cá lồng trên sông mang lại gấp nhiều lần so với nuôi cá truyền thống.

Xã Độc Lập hiện có 55 lồng cá, chủ yếu nuôi cá chép giòn, lăng, trắm, diêu hồng… Ông Đào Văn Thống, Giám đốc HTX DVNN xã cho biết: Để duy trì và phát triển nghề nuôi cá lồng, xã tiếp tục phối hợp với các cơ quan chuyên môn tổ chức tập huấn, bổ sung các kiến thức, kỹ thuật cho người dân. Bên cạnh đó, xã khuyến khích người dân đưa giống cá mới vào nuôi; theo hướng an toàn sinh học để hạn chế dịch bệnh, giảm thiểu rủi ro, bảo vệ môi trường. Xã mong muốn các cấp, các ngành có chính sách hỗ trợ kịp thời, tìm nguồn tiêu thụ sản phẩm, tạo điều kiện cho người dân vay vốn lãi suất thấp để phát triển sản xuất.

Toàn huyện Hưng Hà hiện có 278 lồng, tăng 66 lồng so với cuối năm 2022, trong đó có 1 mô hình nuôi cá lồng kết hợp nuôi ếch gồm 60 lồng tại xã Tiến Đức; 1 mô hình nuôi cá tầm tại xã Tân Lễ. Bên cạnh đó, xã Hồng An tiếp tục duy trì 20 lồng, xã Điệp Nông 89 lồng, xã Độc Lập 55 lồng, thị trấn Hưng Nhân 13 lồng, xã Tân Lễ 11 lồng… nhờ đó mang lại nguồn thu nhập lớn cho nhiều người dân, góp phần đưa giá trị sản xuất nuôi trồng thủy sản của huyện năm 2022 đạt trên 247 tỷ đồng, tăng 2,82% so với năm 2021.

Ông Phạm Văn Bình, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện chia sẻ: Từ đầu tháng 3 là thời điểm các hộ nuôi cá lồng bước vào vụ nuôi thả mới. Để khuyến khích phát triển nuôi cá lồng, Hưng Hà tiếp tục chỉ đạo các địa phương hướng dẫn, tạo điều kiện cho người dân nuôi cá lồng theo quy hoạch và có cơ chế phù hợp động viên, khuyến khích người dân mở rộng diện tích nuôi cá lồng. Đồng thời, chú trọng tập huấn kiến thức nuôi trồng thủy sản; tuyên truyền, vận động các hộ nuôi trồng thủy sản đa dạng đối tượng nuôi có giá trị kinh tế cao phục vụ tiêu dùng…