Hồi sinh những vườn sầu riêng sau đợt hạn mặn lịch sử

Không còn hình ảnh cây sầu riêng khô héo, chết dần từ lá xuống rễ, nhờ áp dụng tiến bộ kĩ thuật, những khu vườn sầu riêng đang được hồi sinh từng ngày.

Đợt hạn mặn nghiêm trọng nhất trong lịch sử ĐBSCL đã làm thiệt hại nặng nề cho người trồng sầu riêng tỉnh Tiền Giang. Ảnh: Phạm Hiếu.

Đợt hạn mặn nghiêm trọng nhất trong lịch sử ĐBSCL đã làm thiệt hại nặng nề cho người trồng sầu riêng tỉnh Tiền Giang. Ảnh: Phạm Hiếu.

Mất trắng 700 triệu đồng do hạn mặn

Năm 2019 – 2020, đợt hạn mặn nghiêm trọng nhất trong lịch sử tại khu vực ĐBSCL đã làm ảnh hưởng đến việc sản xuất nông nghiệp của người nông dân nói chung và việc trồng sầu riêng của tỉnh Tiền Giang nói riêng.

Theo thống kê, tại Tiền Giang, hạn mặn đã làm chết khoảng 3.000 – 4.000ha trên tổng số 14.000ha diện tích trồng sầu riêng. Trong đó có khu vườn trồng sầu riêng rộng khoảng 1ha của ông Nguyễn Văn Rép (ấp Bình Hòa B, xã Tân Bình, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang).

Theo lời kể của ông Rép, đợt hạn mặn lịch sử đã làm khô nhánh, khô cành, vườn sầu riêng khô héo, chết dần. Người nông dân mất trắng 700 triệu đồng.

“Đợt hạn mặn năm 2019 – 2020 kéo dài đến 5 tháng. Gia đình tôi đã phải bỏ ra 130 triệu đồng để mua nước ngọt về tưới cho cây, tuy nhiên lượng nước vẫn không đủ”, ông Nguyễn Văn Rép bộc bạch.

Tại khu vực trồng sầu riêng của ông Rép, thời điểm ấy, những vườn lâu năm sẽ bị ảnh hưởng ít hơn những vườn vừa thu hoạch. Do nước mặn theo đường sông vào nên những vườn càng ở gần sông sẽ càng bị ảnh hưởng nhiều hơn. Tỉ lệ cây chết ở khu vực này từ 50 – 80%, thậm chí có những vườn bị chết 100% cây.

Sầu riêng Tiền Giang được người tiêu dùng đánh giá cao về chất lượng. Ảnh: Phạm Hiếu.

Sầu riêng Tiền Giang được người tiêu dùng đánh giá cao về chất lượng. Ảnh: Phạm Hiếu.

Theo các chuyên gia, đợt hạn mặn năm 2021 – 2022 được dự báo sẽ có mức độ nghiêm trọng tương tự năm 2019 – 2020, ngay từ bây giờ, ông Rép đã triển khai móc mương, vét bùn một cách kĩ lưỡng, tích trữ nước ngọt để có thể sử dụng trong đợt hạn mặn sắp tới.

“Những năm trước, hạn mặn đến đột xuất nên những người nông dân như chúng tôi không có sự chuẩn bị trước. Thế nhưng giờ đây, dưới sự hướng dẫn của Viện Cây ăn quả Miền Nam, chúng tôi đã có thêm kinh nghiệm để ứng phó với hạn mặn cũng như những thách thức khác từ thiên tai”, ông Nguyễn Văn Rép chia sẻ.

Phục hồi bộ rễ là yếu tố tiên quyết

Tại tỉnh Tiền Giang, điều kiện tự nhiên và thổ nhưỡng rất thuận lợi cho việc phát triển trồng cây sầu riêng. Chất lượng của quả sầu riêng nơi đây cũng được người tiêu dùng đánh giá cao, qua đó đã nâng cao kinh tế của người dân trồng sầu riêng Tiền Giang.

Nhận thức được giá trị to lớn mà quả sầu riêng mang lại, hiện nay, Trung tâm Chuyển giao Tiến bộ kỹ thuật (Viện Cây ăn quả Miền Nam) đã phối hợp với Sở NN-PTNT tỉnh Tiền Giang triển khai chương trình phục hồi cây sầu riêng sau đợt hạn mặn hạn mặn năm 2019 – 2020.

Trao đổi với Báo Nông nghiệp Việt Nam, TS. Lê Quốc Điền, Giám đốc Trung tâm Chuyển giao Tiến bộ kỹ thuật, cho biết, quy trình khôi phục vườn sầu riêng cần được thực hiện qua 5 bước, triển khai trong vòng 60 ngày.

Theo các chuyên gia, người dân cần hoàn thiện 5 bước trong vòng 60 ngày để có thể khôi phục vườn sầu riêng. Ảnh: Phạm Hiếu.

Theo các chuyên gia, người dân cần hoàn thiện 5 bước trong vòng 60 ngày để có thể khôi phục vườn sầu riêng. Ảnh: Phạm Hiếu.

Theo đó, việc đầu tiên người trồng sầu riêng cần làm là rải vôi đều trên mặt đất, tưới ít nhất 3 lần để có thể rửa mặn trong đất. Yếu tố quan trọng ở bước thứ nhất là người nông dân phải có một nguồn nước ngọt dồi dào để có thể rửa mặn.

Thứ hai, sau khi rửa mặn, người dân cần tiến hành phục hồi bộ rễ. Đây là khâu rất quan trọng vì sau hạn mặn, bộ rễ sẽ chết với tỷ lệ 40 – 60%, thậm chí có những vườn chết 100%.

TS. Lê Quốc Điền nhận định: “Hiện nay, qua nhiều năm, người nông dân đã nhận thức được tầm quan trọng của việc phục hồi bộ rễ bằng những sản phẩm hữu cơ. Đồng thời sử dụng cùng những chế phẩm phân vi sinh để cây không rụng lá non của cây. Tiếp đó cần phát triển bộ lá bằng phân bón lá. Người dân sẽ cần dùng những loại phân có hàm lượng hữu cơ cao để phun lên lá, giúp cây phát triển hơn.”

Bước thứ ba là kiểm tra đánh giá xem bộ rễ có còn những loại bệnh hại rễ hay không. Bước thứ tư là dùng chế phẩm phân hữu cơ tưới xuống dưới gốc cây, đồng thời phun lên bộ lá.

Bước thứ năm, người trồng cây sầu riêng cần kiểm tra, đánh giá mức độ quang hợp của lá cây. Theo đó, Giám đốc Trung tâm Chuyển giao Tiến bộ kỹ thuật khuyến cáo người dân nên dùng các chế phẩm sinh học có hàm lượng Magie cao phun lên bộ lá để quá trình tổng hợp tốt hơn.

“Sau khi thực hiện đủ 5 bước để hồi phục cây sầu riêng, người nông dân đã có thể sử dụng phân hóa học. Hiện chúng tôi cũng đã cải tiến phân hóa học để nuôi bộ lá dài hơn. Bà con cần lưu ý đảm bảo theo nguyên tắc 60% lá già và 40% lá non thì cây mới không bị suy kiệt sau này”, TS. Lê Quốc Điền cho hay.

Cho đến thời điểm hiện tại, bằng kinh nghiệm trồng sầu riêng lâu năm, những người nông dân nơi đây đánh giá việc phục hồi của vườn cây đã đạt khoảng 60% so với trước khi đợt hạn mặn lịch sử diễn ra.

Quả sầu riêng đã giúp nâng cao kinh tế của người dân Tiền Giang. Ảnh: Phạm Hiếu.

Quả sầu riêng đã giúp nâng cao kinh tế của người dân Tiền Giang. Ảnh: Phạm Hiếu.

Năm 2021- 2022, trên khu vực được cảnh báo sẽ phải đón cơn hạn mặn lớn, có thể kéo dài đến tháng 5. Theo đó bà con cần chuẩn bị kĩ lưỡng và phân phối hợp lý nguồn nước. Thời gian đầu người dân không cần thiết tưới quá nhiều. Cho đến tháng 2, với mật độ 200 cây/ha, người dân cần chuẩn bị 350m3 nước ngọt. Qua đó, nếu hạn mặn tiếp tục kéo dài thì người trồng sầu riêng vẫn còn nước ngọt để tưới cho cây.

Ngoài ra, người nông dân cũng cần chuẩn bị những vật liệu để phủ mặt đất thật dày, qua đó giữ lại độ ẩm nhất định trong đất, tiết kiệm được nguồn nước.

TS. Lê Quốc Điền khuyến cáo thêm: “Hiện nay, vườn cây đang không ra hoa, bà con cần nhanh chóng thu hoạch vì theo dự báo khoảng giữa tháng 12 sẽ có đợt hạn mặn sớm.”