Vừa qua, tại huyện Cẩm Giàng (Hải Dương), Sở Công thương Hải Dương phối hợp với Cục xúc tiến thương mại – Bộ Công thương tổ chức Hội nghị kết nối tiêu thụ cà rốt và nông sản chủ lực của tỉnh với hệ thống Thương vụ Việt Nam và doanh nghiệp ở nước ngoài.
Hội nghị kết nối tiêu thụ cà rốt năm nay được tổ chức theo hình thức trực tiếp và trực tuyến với gần 150 điểm cầu, trong đó có 36 điểm cầu quốc tế. Tại các điểm cầu trực tuyến có đại diện các Thương vụ Việt Nam tại một số nước như: Trung Quốc, Australia, Ấn Độ, Singapore, Nhật Bản, Thái Lan…; đại diện lãnh đạo Sở Công Thương, Trung tâm Xúc tiến thương mại của 60 tỉnh, thành phố.
Tại hội nghị, ông Trần Văn Quân, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã nhấn mạnh: hoạt động kết nối tiêu thụ cà rốt và nông sản chủ lực của tỉnh được tổ chức có vai trò quan trọng giúp cho doanh nghiệp xuất khẩu Hải Dương nói riêng và Việt Nam nói chung tiếp cận thị trường nước ngoài, qua đó góp phần mở rộng mạng lưới phân phối, ổn định thị trường tiêu thụ, xuất khẩu mặt hàng nông sản.
Bên cạnh đó, ông Trần Văn Quân cũng nhấn mạnh sự phát triển đáng kể của Hải Dương trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là việc áp dụng công nghệ cao và quy mô lớn trong quá trình sản xuất cà rốt và nhiều loại nông sản khác. Thị trường xuất khẩu cũng đã được mở rộng sang nhiều quốc gia, bao gồm cả các thị trường khó tính như châu Âu, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc…
Phó Chủ tịch UBND tỉnh mong muốn Bộ Công thương, Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài tiếp tục hỗ trợ tuyên truyền, quảng bá các sản phẩm nông sản cũng như tiếp tục kết nối các doanh nghiệp của Hải Dương tiêu thụ nông sản tại thị trường trong nước và thế giới. Lãnh đạo UBND tỉnh Hải Dương cũng cam kết sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để các doanh nghiệp, thương lái trong và nước ngoài đến Hải Dương tìm hiểu, ký kết sản xuất, tiêu thụ nông sản cho Hải Dương nói chung trong đó có củ cà rốt nói riêng.
Hàng năm, Hải Dương sản xuất được khoảng 750.000 tấn lúa gạo, 900.000 tấn rau, củ các loại, 300.000 tấn quả và khoảng 200.000 tấn thịt gia súc, gia cầm và thủy sản. Hiện nay, tỉnh có 8 nhóm nông sản chủ lực; trong đó có vải thiều, cà rốt và 234 sản phẩm OCOP chất lượng cao. Hầu hết sản phẩm đã được đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, chuyển đổi số, cấp mã số vùng trồng, cấp chứng nhận Vietgap, Globalgap, OCOP, truy xuất nguồn gốc, hình thành mô hình chuỗi liên kết.
Riêng đối với cây cà rốt, một trong 8 sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh, được sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao, trên vùng đất bãi phù sa ven các sông Thái Bình, Kinh Thầy. Chính từ việc được bồi đắp và nuôi dưỡng từ phù sa của những con sông lớn, kết hợp với thời tiết khí hậu ôn hòa đã tạo nên chất lượng và thương hiệu riêng biệt cho cà rốt Hải Dương với độ giòn và vị ngon ngọt khác biệt với cà rốt ở nơi khác.
Với 70% sản lượng cà rốt xuất khẩu sang các thị trường quốc tế như Trung Đông, Hàn Quốc, Nhật Bản, châu Âu, Malaysia, Singapore, Thái Lan và 30% tiêu thụ trong nước, Hải Dương đã thu hút sự quan tâm của khoảng 20 doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở chuyên thu mua, chế biến, và xuất khẩu cà rốt.
Trong đó có nhiều sản phẩm được xuất khẩu với số lượng lớn, thị trường xuất khẩu được mở rộng tới nhiều nước, trong đó có các thị trường cao cấp như châu Âu, Mỹ, Nhật bản, Hàn Quốc… đem lại giá trị kinh tế cao.
Hội nghị đã tạo cơ hội để các đại diện từ các thương vụ Việt Nam và các doanh nghiệp nước ngoài có thể hiểu rõ hơn về tiềm năng và thế mạnh của sản phẩm nông nghiệp của Hải Dương, từ đó đưa ra các khuyến nghị cụ thể để nâng cao chất lượng sản xuất và mở rộng thị trường xuất khẩu cho địa phương.