Giá cá tra tăng nhưng tránh thả nuôi ồ ạt

Giá cá tra nguyên liệu ở ĐBSCL đang đứng ở mức cao do “cung không đủ cầu” nhưng do chi phí đầu tư nuôi cá lớn, rủi ro nhiều nên nhiều hộ treo ao…

Nguồn cá tra nguyên liệu thiếu hụt, Công ty Cổ phần Thủy sản Biển Đông Hậu Giang hoạt động không hết công suất.

Người nuôi chưa mặn mà

Theo người nuôi cá tra và doanh nghiệp xuất khẩu cá tra, hiện giá cá tra nguyên liệu dao động từ 31.500-32.000 đồng/kg, tùy theo trọng lượng và đơn vị thu mua, tăng từ 3.000-4.000 đồng/kg so với thời điểm Tết Nguyên đán 2023. Là một trong số ít hộ nuôi lâu năm còn bám trụ với nghề, ông Nguyễn Ngọc Hải, Giám đốc HTX cá tra Thới An, ở quận Ô Môn, thành phố Cần Thơ, chia sẻ: “Những người nuôi có cá bán bây giờ thì có lãi 1.000-2.000 đồng/kg, bởi chi phí nuôi từ 28.000-30.000 đồng/kg. Còn bây giờ nếu đầu tư vào nuôi, chi phí thức ăn, thuốc phòng trị bệnh và các chi phí khác cũng sẽ lên giá 32.000 đồng/kg. Lý do là dòng đời cá tra nguyên liệu lâu, mất 8-9 tháng mới xuất bán. Bây giờ khởi động nuôi đến 8 tháng sau thì giá cả thị trường đã khác rồi. Chưa tính hiện nay, giá cá tra giống đang tăng do cung không đủ cầu, cá size 30 con là 50.000 đồng/kg”.

Cũng theo ông Hải, ranh giới giữa tỉ phú với hộ nghèo chỉ bằng sợi chỉ mong manh. Nhiều năm nay, người nuôi cá tra phải chật vật vì giá cả bấp bênh, do vậy những người còn nuôi cá là người có năng lực tài chính và kinh nghiệm.

Tương tự, ông Nguyễn Tấn Phong, Giám đốc HTX nuôi thủy sản Đại Thắng, xã Đại Thành, thành phố Ngã Bảy, cho biết: HTX có 22 thành viên, trong số này có khoảng 70% treo ao. Dù giá bán tăng nhưng nhiều thành viên của HTX vẫn chưa thả nuôi lại. HTX chỉ có vài hộ bám với nghề, cá hiện đạt trọng lượng khoảng 700 gram, số ít mới thả nuôi. Giá thức ăn tăng cao dẫn đến việc nuôi không có hiệu quả nên người dân đang chờ chủ trương từ nhà nước, ngành quản lý có chính sách hỗ trợ, giúp đỡ để tái sản xuất.

Chị Hồ Thị Cẩm Nhung, Phòng Tổ chức Công ty Cổ phần Thủy sản Biển Đông Hậu Giang, cho biết: Đang thiếu hụt nguồn cá tra nguyên liệu cho các đơn hàng. Doanh nghiệp có 2 xưởng sản xuất với khoảng 2.000 công nhân, cao điểm có thể cần tới 40 tấn cá tra/ngày. Thế nhưng hiện nay, số lượng công nhân hoạt động chỉ hơn 440 người, do nguồn hàng ít nên đơn vị không tuyển thêm. Thời gian qua, lượng cá tra trong dân không còn nhiều, do treo hầm nên công ty hoạt động không hết công suất, có hàng bấy nhiêu thì xuất bấy nhiêu.

Tại Hậu Giang, diện tích cá tra của tỉnh trước đây trên dưới 100ha. Trong đó, diện tích thả nuôi thường xuyên khoảng 30-40ha. Nhiều hộ nuôi cá tra không có lời nên nông dân chuyển sang nuôi cá rô, cá thát lát hoặc loại cá khác, thậm chí treo ao. Xét về diện tích thực tại của tỉnh nuôi được cá tra tốt rất nhỏ. Do vậy, địa phương không có chủ trương thống nhất cho đào thêm ao, bởi việc nuôi quá rủi ro, nhỏ lẻ, khó để hình thành chuỗi như một số tỉnh như: An Giang, Cần Thơ hay Đồng Tháp…

Để cá tra vươn ra biển lớn

Ông Nguyễn Ngọc Hải, Giám đốc HTX cá tra Thới An, cho rằng: Trong nghề nuôi cá thì người nuôi cá chuyên nghiệp hãy nuôi. Bởi đây là ngành đặc thù, đòi hỏi người nuôi phải có chuyên môn, cá nuôi phải đạt tiêu chuẩn xuất khẩu chứ không phải nuôi theo cách truyền thống ngày xưa. Đơn cử như muốn xuất qua thị trường Trung Quốc đòi hỏi phải có tiêu chuẩn khắt khe.

“Muốn nuôi được, bây giờ người nuôi nên liên kết với doanh nghiệp tiêu thụ cá tra. Trong điều kiện chỉ cần lời chút đỉnh thôi, chứ còn nuôi riêng lẻ phải đương đầu với thị trường thì rủi ro nhiều lắm”, ông Nguyễn Ngọc Hải bộc bạch.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho biết, quan điểm chung trong phát triển cá tra ở ĐBSCL tới đây cần theo hướng công nghệ cao, hữu cơ, tuần hoàn… nhằm đáp ứng nhu cầu của thị trường xuất khẩu và tiêu thụ trong nước. Để phát triển bền vững ngành hàng cá tra, cần nhiều giải pháp đồng bộ như: Đẩy mạnh liên kết, hình thành chuỗi giá trị ngành hàng cá tra giữa người dân và doanh nghiệp, quy hoạch vùng sản xuất, sơ chế, chế biến, đẩy mạnh xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu phát triển thị trường tiêu thụ, xây dựng cung cầu và đa dạng hóa sản phẩm theo hướng tuần hoàn để gia tăng giá trị, đặc biệt phải nâng cao chất lượng con giống, chất lượng di truyền một số tính trạng kháng bệnh, chịu mặn, tiêu tốn thức ăn, ứng dụng công nghệ mới trong sản xuất để nâng cao hiệu quả, chất lượng và an toàn thực phẩm của các sản phẩm, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.

“Bộ NN&PTNT tiếp tục phối hợp với các địa phương rà soát lại quy hoạch và đưa ra định hướng phát triển thời gian tới một cách hợp lý, không để phá vỡ quy hoạch, không chủ trương mở rộng diện tích quá nhiều nhằm tránh tình trạng cung vượt cầu”, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho biết.