Độc đáo “phiên chợ” vùng cao ở Thiên Cấm sơn

Với đặc thù là ngọn núi có nhiều cư dân sinh sống nên Thiên Cấm sơn (xã An Hảo, Tịnh Biên) có khá nhiều dịch vụ phát sinh để đáp ứng nhu cầu cuộc sống. Trong đó, những “phiên chợ” vùng cao đã trở thành nét sinh hoạt độc đáo, mang đến sự thuận tiện cho những hộ dân định cư ở độ cao hơn 700m này.

Có dịp ghé thăm người bạn đang định cư trên núi Cấm, chúng tôi lấy làm lạ bởi câu nói của anh: “Anh ngồi chơi một chút. Đợi chợ lên tới, tôi mua thức ăn đãi anh bữa cơm!”. Lần đầu nghe đến việc “chợ lên tới” chúng tôi không khỏi thắc mắc.

Đoán biết sự tò mò của chúng tôi, anh bạn giải thích, do điều kiện dân sống trên núi không thể đi chợ mỗi ngày nên bạn hàng sẵn sàng gánh hàng lên núi. Theo chân anh bạn, chúng tôi bước ra tuyến đường chính của núi Cấm để đón “chợ lên tới”.

doc dao “phien cho” vung cao o thien cam son hinh anh 1

Núi Cấm mùa này khá nhiều sương. Không khí mát lạnh của chốn non cao làm tâm hồn thư thái. Sau một lúc chờ đợi, chúng tôi có dịp mục sở thị chợ “di động” vùng cao. Qua lớp sương mù núi Cấm đã nghe tiếng cười nói rộn rã của những bạn hàng. Họ đi thành từng đoàn 5 – 7 quang gánh với đầy đủ thực phẩm, từ rau, củ đến thịt, cá, trái cây hay những gia vị như: Bột ngọt, đường, muối, nước mắm…

Anh Võ Thanh Hiếu, giáo viên làm nhiệm vụ “gieo chữ” ở vùng cao này hơn 10 năm, cho biết: “Phiên chợ “di động” này tương đối đủ các mặt hàng để đáp ứng nhu cầu người mua. Tuy mức giá có cao hơn dưới xuôi nhưng không ai cảm thấy phiền lòng, bởi việc gánh hàng lên đây là cả một quá trình vất vả. Nếu không có những người bán hàng kiểu này thì đời sống người dân trên núi bất tiện lắm”.

Những bó rau còn đẫm sương sớm, những con cá còn tươi ngon nằm trên quang gánh cứ theo chân người bạn hàng len lỏi khắp nơi trên núi Cấm. Chị Neang Nhung, một bạn hàng của chợ “di động”, cho biết: “Hồi trước, tui gánh hàng lên núi bằng con đường ven suối Thanh Long. Bây giờ mình hay đi đường lớn lên núi. Nếu là người bán rau thì 2 đầu gánh nặng chừng 20kg, đối với trái cây hay thịt, cá thì có thể nặng tới 30 – 40kg. Lúc đầu chưa quen còn cảm thấy đau vai, sau thời gian dài mưu sinh thì ai cũng gánh được”.

Hàng ngày, chị Nhung và những “đồng nghiệp” của mình bắt đầu lên núi từ lúc trời còn chưa sáng rõ mặt. Với người lớn tuổi, họ có thể đi xe lên núi rồi ngồi bán ở một vài địa điểm quen thuộc. Còn những bạn hàng trẻ tuổi thì gánh hàng từ chân núi lên để bán cho khách dọc đường.

Theo người dân địa phương, đa số bạn hàng đều là phụ nữ Khmer. Họ khá vui vẻ, cởi mở và thường hỗ trợ nhau trong việc bán buôn. “Vì cuộc mưu sinh nên ai cũng phải cố gắng lao động. Tuy vất vả nhưng do nguồn thu chấp nhận được nên tui với mấy chị em cứ bám lấy nghề này.

Thông thường, nhóm của tôi có 5 – 7 người hay gánh hàng lên bán ở khu vực hồ Thủy Liêm. Chừng 7 giờ sáng là đã có người tìm mua thức ăn. Ai cũng cố gắng đi theo nhóm, bởi người mua có thể cần một lúc nhiều mặt hàng nên việc buôn bán cũng thuận tiện hơn”- chị Neang Nhung cho hay.

doc dao “phien cho” vung cao o thien cam son hinh anh 2

Ngoài việc phục vụ người dân trên núi, những quang gánh này còn bán cho cả khách hành hương. Tuy nhiên, du khách thường mua trái cây hay một vài thứ ăn vặt, riêng mặt hàng thực phẩm chỉ dành cho dân định cư trên núi. Nếu tới 9 giờ sáng mà vẫn chưa bán hết hàng thì các chị bắt đầu quảy gánh lên vai để “di động” đến những địa điểm khác.

“Ngồi bán ở hồ Thủy Liêm khi nắng lên cao là tui bắt đầu gánh hàng vô rừng. Thường thì mấy chị em gánh hàng lên đến vồ Bồ Hong, điện Cửu Phẩm, có khi sang ấp Rau Tần và nhiều chỗ khác. Mình chịu khó lặn lội thì cũng kiếm sống được”- bà Neang Nhây, một bạn hàng “kỳ cựu” trên núi Cấm, cho biết.

Giữa khung cảnh núi non hùng vĩ, những quang gánh tảo tần cứ len lỏi qua những tán lá rừng. Họ trò chuyện, cười đùa cho quên đi nỗi vất vả của đường xa, gánh nặng. Những lần leo dốc ngược buộc mấy chị em phải dừng lại bởi ai cũng “thở không ra hơi”. Dù là chợ ở đâu thì người bán vẫn chịu nhiều rủi ro.

“Đối với trái cây giữ được 2-3 ngày, còn rau tươi, thịt, cá mà không bán hết trong buổi sáng là xem như mất công, lỗ vốn. Nếu bán hết hàng, sau khi trừ chi phí tui còn lời được chừng 100.000 đồng/ngày. Dù nguồn thu chỉ đủ sống nhưng vì cuộc mưu sinh nên chẳng ai dám nghỉ ngày nào” – bà Neang Nhây thật tình.

Từ khi núi Cấm có đông người đến định cư, loại hình chợ “di động” vùng cao này đã trở thành nét sinh hoạt độc đáo trên đỉnh “nóc nhà miền Tây”. Những quang gánh ấy sẽ còn tiếp tục len lỏi qua mấy nẻo đường rừng hay vượt qua hàng chục con dốc cao để người dân trên núi được thuận tiện hơn trong cuộc sống.

Theo Báo An Giang