Bi kịch của những đứa trẻ bị bỏ lại ở nông thôn Trung Quốc

Cha mẹ bỏ xứ đi làm xa, những đứa trẻ vùng nông thôn Trung Quốc sống trong cảnh đói nghèo và thiếu thốn tình yêu thương.

bi-kich-cua-nhung-dua-tre-bi-bo-lai-o-nong-thon-trung-quoc

Những đứa trẻ bị bỏ lại đứng xếp hàng chờ cơm trưa tại một trường làng ở tỉnh Vân Nam, Trung Quốc. Ảnh: Telegraph.

Sau giờ học, bé Ma Juan, 8 tuổi, không có niềm vui nào khác ngoài căng dây thun giữa hai chiếc ghế đẩu rồi nhảy qua nhảy lại. Từ khi lên ba tuổi, Ma Juan đã phải sống cùng ông bà và chị gái 10 tuổi ở một ngôi làng ở tỉnh Quý Châu, Trung Quốc. Bố em đi làm công nhân xây dựng ở một tỉnh khác, cách nhà 1.800 km, một năm hai chị em chỉ được gặp bố đúng một lần vào dịp Tết Nguyên Đán, theo SCMP

"Cháu ghét bố. Bố không có thời gian chơi với cháu", Juan nói với giọng buồn tủi. 

Năm ngoái, theo thống kê của chính phủ, Trung Quốc có khoảng 9,02 triệu trẻ nhỏ ở vùng nông thôn có cả cha lẫn mẹ đi làm ăn xa hoặc một người đi làm xa còn người kia bỏ nhà ra đi. Con số này có thể lên tới 61 triệu, tương đương với 1/5 số trẻ em ở Trung Quốc, nếu tính cả trường hợp chỉ cha hoặc mẹ đi làm xa nhà. Chúng là những đứa trẻ như Ma Juan, "những đứa trẻ bị bỏ lại".

"Hai đứa còn quá nhỏ nên không thể hiểu rằng anh trai tôi không có lựa chọn nào khác", cô của Ma Juan nói. "Ít nhất anh ấy cũng đang kiếm ra tiền và tiết kiệm được vài nghìn tệ một năm. Anh tôi sẽ về nhà vào dịp Tết, mang theo quà cho hai đứa. Anh ấy đang cố gắng hết sức".

Hai năm trước, Trung Quốc chấn động trước tin 4 anh em ruột, tuổi từ 5 đến 13, tự tử bằng thuốc trừ sâu vì bị mẹ bỏ rơi và không thể liên lạc được với người bố đi làm xa nhà. Ông bà bọn trẻ lại quá già yếu để chăm nom chúng. Cả 4 anh em đều phải bỏ học vì gia đình khó khăn.

Dân làng tìm thấy một bức thư tuyệt mệnh gần thi thể của cậu anh cả, trong đó cậu bé viết rằng: "Con đã lên kế hoạch này từ lâu và bây giờ là lúc chúng con phải ra đi".

"Các cháu không thiếu thực phẩm và quần áo, nhưng thiếu tình yêu thương và sự chăm sóc của cha mẹ", ông Xiao Wenying, một người họ hàng của các em, trả lời báo chí. 

Hai năm đã trôi qua kể từ sau vụ việc đau lòng và những đứa trẻ vẫn bị bỏ lại cho ông bà hoặc họ hàng nuôi dưỡng trong khi bố mẹ chúng bươn chải kiếm sống xa nhà. Hiện ngôi làng có khoảng 260.000 trẻ em lâm vào hoàn cảnh thiếu thốn sự quan tâm chăm sóc của cha mẹ. 

Theo truyền thông Trung Quốc, sau vụ tự tử của 4 em nhỏ, chính quyền địa phương đã yêu cầu các bậc phụ huynh đi làm xa nhà trở về với mong muốn gia đình phối hợp cùng chính quyền địa phương, nhà trường và các nhóm xã hội để giúp ngăn chặn vụ việc tương tự lặp lại. 

Theo CNN, "những đứa trẻ bị bỏ lại" thường đánh nhau ở trường, gặp vấn đề về tâm lý và hành vi nhiều hơn những đứa trẻ khác cùng trang lứa. 

Zhang Xinyi, 9 tuổi và anh trai Shizheng, 11 tuổi, sống với ông bà nội khi bố mẹ cùng đi làm công nhân ở một nhà máy ở Thâm Quyến để kiếm tiền trả nợ khoản vay xây nhà cách đây hai năm. Sau khi nhận được thông báo của địa phương, người bố đã ngay lập tức trở về nhà nhưng chỉ một thời gian ngắn sau lại lên đường đi làm. 

"Tôi già quá rồi, đáng nhẽ được nghỉ ngơi rồi, nhưng tôi có thể làm gì cơ chứ?", bà nội thờ dài nhìn cô bé Xinyin mặt mũi lấm lem ngồi ngoài bệ cửa căn nhà mới xây và ăn bữa tối với cơm trộn đậu xanh. Bà cho biết con trai và con dâu hứa sẽ về nhà khi kiếm đủ tiền để trả hết nợ.

Mùa hè năm ngoái, Xinyin và anh trai được cha mẹ đón tới Thẩm Quyến. Cô bé nói không nhớ được ăn gì ngon hay chơi chỗ nào vui mà chỉ nhớ cảm giác hạnh phúc được ở cùng cha mẹ suốt mấy tháng hè. 

Chuyện kỳ lạ xung quanh ngôi làng giàu nhất Trung Quốc

Vì sao gần một tỷ nông dân trên thế giới nghèo đói?​

Theo Vnexpress