Cách xử lý vườn cà phê sau ngập úng

Hỏi: Tôi ở Kon Tum, gần đây do thời tiết mưa to, kéo dài khiến vườn cà phê nhà tôi bị ngập úng. Xin hỏi chuyên gia, cây cà phê có bị ảnh hưởng không và cách chăm sóc cà phê sau ngập úng?

Ảnh minh họa

Trả lời:

Đối với cây trên cạn nói chung và cây cà phê nói riêng, khi bị ngập úng thì rễ cây thiếu ôxi. Thiếu ôxi sẽ phá hoại tiến trình hô hấp bình thường của rễ, tích luỹ các chất độc hại đối với tế bào và làm cho lông hút chết, không hình thành được lông hút mới.

Không có lông hút thì cây không hấp thụ được nước, cân bằng nước trong cây bị phá huỷ và cây bị chết.

Để hạn chế tác hại cây do ngập úng, bà con nông dân cần lưu ý một số biện pháp:

– Không bón phân đạm, nhất là loại đạm đơn

– Không làm sạch cỏ mặt đất vườn để có thảm cỏ che phủ chống xói mòn và rửa trôi, ngoài ra cỏ là những “bơm sinh học” làm tầng đất sâu mau khô ráo. Do đó, không nên diệt sạch mà chỉ cắt thấp khi cỏ vườn phát triển quá cao.

– Không để cây bị động gốc, giữ gốc , chống nếu động cây

– Không bón phân chuồng chưa ủ hoai mục, vì sẽ làm vi sinh vật hoạt động mạnh, tiêu hao nhiều oxy của cây trồng khi bị ngập úng.

– Hạn chế đi lại trong vườn làm cho đất bị dí chặt, ảnh hưởng đến bộ rễ cây và khả năng phục hồi của cây sau khi nước rút.

Nếu vườn cây bị ngập úng, cần thực hiện đồng bộ các biện pháp để phục hồi cây phát triển trở lại:

Khai thông rãnh thoát nước xung quanh và trên vườn để thoát nước nhanh

– Xới xáo phá váng lớp đất mặt bằng cào ba răng (cuốc chỉa) hoặc cuốc bàn để thoát nước và làm cho đất thoáng khí và có ôxy để cây trồng trao đổi chất, ra rễ mới.

– Bón vôi quanh gốc cây để phòng ngừa các loại nấm xâm nhiễm gây hại.

LƯU Ý: là chỉ bón phân cho cây khi vườn không bị ngập nước trở lại và đã xử lý mầm bệnh. Nếu cây trồng bị các loại nấm phytophthora, Fusarium thì dùng một trong các loại thuốc: Ridomil, Aliette, Metalaxyl hoặc thuốc gốc đồng gồm có: Copper Zin Noshield, Coc85, Kocide, Champion, Funguran, Bordeaux… phun quanh gốc (nồng độ dung dịch thuốc phun, lượng phun, cách phun theo hướng dẫn trên bao bì thuốc).

Trường hợp cây đang sinh trưởng và nuôi quả thì nên phun các loại phân bón lá có hàm lượng P và K cao và các loại kích kháng (Agri fos 400, Kaliphos, MultiproteK,…). Nên xử lý lúc chiều mát. Phun 2-3 lần, mỗi lần cách nhau 7-10 ngày đến khi cây ngưng ra đọt. Việc xử lý này nhằm làm lá mau già, cây chậm phát triển và đi vào giai đoạn ngủ nghỉ, ít tiêu hao năng lượng vì rễ cây không đủ khả năng cung cấp dinh dưỡng. Phun hoạt chất có chứa Cytokynin (Agrispon, Sincosin,…) giúp ngăn cản quá trình tổng hợp Ethylene và sự oxy hóa diệp lục tố, giúp cây tăng cường khả năng chống chịu.

Sau ngập úng, đất khô ráo cần kích rễ bón các loại phân hữu cơ hoai mục, tro trấu hun, humic, lân, các chế phẩm vsv Cheatomium, Trichoderma, Pseudomonas, E.M…. Đến khi cây ra rễ thì bón NPK chăm sóc trở lại

Khơi thông các rãnh thoát nước, cố gắng không để gốc cây cà phê bị ngập lâu, gây hại đến sinh trưởng và phát triển của cây. Khi vườn bắt đầu hết úng có thể cắt các cành bị gãy , bị cong do gió bão, định hình lại khung của cây. Đối với những vườn còn xót quả , sẽ thu hoạch vào thời điểm khô ráo và không úng cây.