Cách phòng trừ một số sâu bệnh hại cây chè

Để nâng cao hiệu quả kinh tế cho người trồng chè, xin giới thiệu kỹ thuật phòng trừ một số sâu bệnh hại chính.

Phòng trừ một số sâu bệnh hại chè

Làm chè sạch, lợi đôi đường

Quản lý dịch hại tổng hợp IPM

Biện pháp canh tác: Cày bừa diệt cỏ dại, vệ sinh nương đồi chè, xới xáo diệt nhộng, diệt mầm bệnh, bón phân hợp lý, thay đổi thời kỳ đốn, hái sớm, hái kỹ để loại bỏ trứng sâu, mầm bệnh.

Biện pháp thủ công: Loại bỏ lá bị sâu, bệnh hại, trứng rầy xanh, nhện đỏ hại, bắt giết sâu non, trưởng thành khi mật độ sâu thấp. Thu gom tàn dư mầm mống gây bệnh đem tiêu hủy làm giảm nguy cơ lây nhiễm.

Biện pháp sinh học, sinh thái: Trồng cây bóng mát với loại thích hợp và có mật độ hợp lý đảm bảo độ ẩm trên nương chè. Hạn chế đến mức thấp nhất thuốc hoá học.

Sử dụng thuốc BVTV: Ưu tiên dùng các loại thuốc có thời gian cách ly ngắn, nhanh phân giải, thuốc thảo mộc, thuốc sinh học.

Đối với sâu hại:

Rầy xanh: Phát sinh gây hại trên lương chè với nhiều lứa trong năm (cao điểm vào cuối tháng 4, tháng 5 và cuối tháng 9, tháng 10). Chè bị hại nặng làm lá và búp bị chùn lại, lá chè bị khô từ chóp lá rồi lan dần theo 2 mép lá dẫn đến lá chè bị thâm đen, khô. Phun trừ rầy xanh khi mật độ từ 3 – 5 con/búp trở lên bằng một trong các loại thuốc sau: Susupes 3.6EC, Superista 25EC, Vineem 1500EC,…

Nhện đỏ nâu: Chủ yếu phát sinh gây hại vào các tháng nóng, ít mưa (tháng 3, 4, 5, 6 hàng năm). Khi bị hại nặng toàn bộ lá mất màu xanh bóng đặc trưng, chuyển sang màu nâu, mép lá cong lên làm cho lá nhỏ lại, biến dạng rồi bị rụng sớm. Cây chè bị hại nặng không cho búp trong một thời gian dài và hồi phục rất chậm. Phun phòng trừ khi tỷ lệ >20% số lá bị hại bằng một trong các loại thuốc sau: Comite 73EC, Angun 5WG, Kuraba 3.6EC, Proclaim 1.9EC,…

Bọ xít muỗi: Trong năm có nhiều lứa bọ xít muỗi nhưng gây hại nặng vào 2 đợt: đợt 1 vào tháng 7 – 8, đợt 2 vào tháng 10 – 12. Bọ xít non và trưởng thành chích hút búp chè vào lúc sáng sớm và chiều tối. Bọ xít chích hút để lại những vết châm trong như giọt dầu sau đó chuyển sang màu nâu, khi hại nặng tạo thành các vết châm dày đặc, lá chè cong queo, cháy thui đen không cho thu hoạch đồng thời còn ảnh hưởng đến lứa chè sau. Phun trừ bọ xít muỗi khi tỷ lệ gây hại >10% số búp điều tra bằng các loại thuốc như: Acimetin 5EC, Vineem 1500EC, Dylan 2EC,…

Bọ cánh tơ: Gây hại quanh năm, chủ yếu vào các tháng 4 – 5 và 7 – 8. Bọ non và trưởng thành bám ở mặt dưới lá non, tôm chè và trên cọng búp để gây hại. Khi chè bị hại nặng, lá và tôm chè bị rụng sớm, lá non bị biến dạng, các mầm non héo thâm. Búp chè bị hại nặng có biểu hiện cứng, lá dày màu xanh sẫm, lá bị nhăn và biến dạng, sau khi chế biến chè bị đắng, nước chè vàng hơn và không có màu xanh đặc trưng. Phòng trừ khi mật độ bọ cánh tơ >2 con/búp bằng các loại thuốc như: Kuraba 3.6EC, Proclaim 1.9EC, Nouvo 3.6EC.

Đối với bệnh hại:

Bệnh thối búp: Phát sinh từ tháng 5 – 11, gây hại mạnh nhất vào tháng 7 – 8 – 9. Bệnh hại trên lá non và búp. Vết bệnh đầu tiên là một chấm nhỏ màu nâu đen trên phần non mềm của lá và búp chè, các vết bệnh phát triển lớn dần lên gây thối đen lá non và búp. Bệnh chỉ gây hại trên lá non và búp sau đó ngưng lại ở phần cành búp đã nâu hóa. Phòng trừ khi bệnh mới xuất hiện bằng thuốc như: Biobus 100 WP, TP – Zep 18 E.

Bệnh phồng lá chè: Phát sinh gây hại khi ẩm độ cao, nhiệt độ thấp, từ tháng 11 đến tháng 4 năm sau, thích hợp khi nhiệt độ 15 – 20oC. Bệnh hại trên lá non, búp non lúc đầu mô bệnh là những đốm nhỏ dạng giọt dầu màu vàng nhạt, sau đó lớn dần, ở mặt dưới lá mô bệnh phồng lên, mặt trên thì lõm xuống. Trên mô bệnh bao phủ mệt lớp nấm mỏng, mịm màu xám tro hoặc trắng hồng. Phòng trừ khi bệnh mới xuất hiện bằng các thuốc sau: Stifano 5.5SL, Manage 5WP, DuPontTM NustarR 20DF.

Chú ý: Đảm bảo vệ sinh an toàn lao động, pha đúng nồng độ, liều lượng và đủ thời gian cánh ly trước khi thu hoạch theo hướng dẫn ghi trên bao bì, nhãn mác.