Bến Tre phát triển diện tích nuôi tôm công nghệ cao

Toàn tỉnh Bến Tre có 2.380ha nuôi tôm trong tổng số 45.946ha nuôi thủy sản, nuôi thâm canh với phương thức nuôi 2 – 3 giai đoạn, nuôi trong ao đất. Việc phát triển 4.000ha nuôi tôm nước lợ ứng dụng công nghệ cao (CNC) là một trong 11 công trình, dự án trọng điểm của tỉnh theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 – 2025. Theo đó, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 3004 về phát triển 4.000ha nuôi tôm nước lợ ứng dụng CNC (ngày 1-6-2021) để triển khai thực hiện tại 3 huyện biển Ba Tri, Bình Đại và Thạnh Phú.

Thu hoạch tôm công nghệ cao tại xã Thạnh Hải, huyện Thạnh Phú.

Tiến độ triển khai thực hiện

Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Nguyễn Văn Buội cho biết, sở đã phối hợp với địa phương thành lập 1 hợp tác xã (HTX) nuôi tôm ứng dụng CNC tại xã Bình Thắng, huyện Bình Đại, với 30 xã viên tham gia. Tổ chức 3 đợt vận động người nuôi tham gia HTX nuôi tôm CNC huyện Thạnh Phú. Phối hợp với UBND huyện Bình Đại tổ chức 1 hội thảo giải pháp phát triển 2.000ha nuôi tôm CNC trên địa bàn huyện Bình Đại.

“Qua 1 năm rưỡi triển khai, đến nay, có 2 dự án đầu tư xây dựng hạ tầng được Bộ NN&PTNT phê duyệt dự án gồm: dự án xây dựng công trình hạ tầng vùng nuôi trồng thủy sản huyện Bình Đại và dự án hạ tầng vùng nuôi tôm ứng dụng CNC huyện Ba Tri…”, Phó giám đốc Sở NN&PTNT Nguyễn Văn Buội cho hay.

Cụ thể, tại Bình Đại, dự án tập trung các hạng mục như: nạo vét cải tạo hệ thống kênh rạch cấp thoát vùng nuôi tập trung xã Định Trung, đường giao thông, điện với thời gian thực hiện giai đoạn 2017 – 2022. Tổng mức đầu tư 83,119 tỷ đồng.

Dự án tại Ba Tri nhằm đảm bảo hạ tầng giao thông, điện phục vụ sản xuất ổn định, bền vững cho vùng nuôi trồng thủy sản, với khoảng 2.000ha. Trong đó, có 500ha được quy hoạch nuôi tôm theo mô hình CNC, tại xã Bảo Thuận và xã An Thủy, với tổng vốn đầu tư 160 tỷ đồng.

Sở Tài nguyên và Môi trường đã ban hành hướng dẫn thực hiện thủ tục môi trường, các biện pháp bảo vệ môi trường cho các cơ sở, dự án nuôi tôm 2 giai đoạn trên địa bàn tỉnh; xây dựng hướng dẫn thực hiện quy chế quản lý và bảo vệ môi trường trong chuỗi sản xuất nghề nuôi tôm biển; đề xuất các phương án, kịch bản ứng phó với biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường có thể tác động đến nghề nuôi tôm biển.

Sở Khoa học và Công nghệ đã triển khai đề tài xây dựng phần mềm quản lý nuôi tôm ứng dụng CNC trên địa bàn tỉnh. Hiện nay, đơn vị tư vấn đang phối hợp với Chi cục Thủy sản để thu thập thông tin nghiên cứu.

Khó khăn cần tháo gỡ

Nhằm khảo sát kết quả thực hiện của sở, ngành, địa phương về kế hoạch phát triển 4.000ha tôm CNC, Thường trực HĐND tỉnh đã tổ chức đoàn khảo sát do Phó chủ tịch HĐND tỉnh Lê Văn Khê làm trưởng đoàn. Qua khảo sát tại các huyện và một số mô hình nuôi cụ thể, đoàn đánh giá kết quả triển khai còn nhiều khó khăn, hạn chế. Điển hình như chưa quy hoạch xây dựng được vùng nuôi tôm biển ứng dụng CNC tập trung. Hệ thống hạ tầng vùng nuôi như: điện, thủy lợi, giao thông chưa đáp ứng tốt cho yêu cầu sản xuất. Đặc biệt, hệ thống tưới tiêu, xử lý ô nhiễm môi trường chưa được đầu tư, không đảm bảo yêu cầu kỹ thuật cho phát triển vùng nuôi bền vững nguy cơ rủi ro cao nhất là các hộ nuôi quảng canh.

Diện tích nuôi tôm chủ yếu là tự phát, sự tác động của Nhà nước đối với việc phát triển nuôi tôm biển ứng dụng CNC chưa rõ ràng. Vốn đầu tư theo Kế hoạch số 3004 còn phân tán, lồng ghép từ nhiều nguồn khác nhau. Các doanh nghiệp, người dân nuôi tôm biển ứng dụng CNC muốn nâng cao năng suất, chất lượng hàng hóa nhưng chưa tiếp cận được các chính sách hỗ trợ khoa học và công nghệ về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, hệ thống quản lý chất lượng an toàn thực phẩm, công cụ cải tiến năng suất chất lượng.

Phó chủ tịch HĐND tỉnh Lê Văn Khê cho biết, sau chuyến khảo sát, Thường trực HĐND tỉnh sẽ kiến nghị UBND tỉnh có chỉ đạo các ngành chức năng các vấn đề liên quan để phát triển 4.000ha tôm CNC. Trong đó, rà soát xây dựng quy hoạch vùng sản xuất tập trung nuôi tôm biển CNC, gắn với quy hoạch sử dụng đất để có kế hoạch đầu tư hạ tầng đồng bộ cho yêu cầu phát triển bền vững. Tập trung nguồn lực, phân bổ vốn đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển nuôi tôm CNC của 3 huyện ven biển Thạnh Phú, Bình Đại và Ba Tri, trong đó, ưu tiên nguồn vốn bố trí cho huyện Thạnh Phú do huyện chưa được bố trí nguồn vốn nào để đầu tư hạ tầng nuôi tôm biển ứng dụng CNC.

“Ngành chức năng cần quan tâm tập trung xây dựng chuỗi giá trị sản phẩm tôm biển, củng cố mở rộng phát triển có chiều sâu và tạo thương hiệu mạnh cho chuỗi sản phẩm tôm biển. Thực hiện tốt chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, kêu gọi đầu tư phát triển mạnh mô hình nuôi tôm ứng dụng CNC. Đầu tư sản xuất con giống đạt chất lượng đáp ứng nhu cầu của người dân và doanh nghiệp. Tạo quỹ đất sạch kêu gọi đầu tư, phát triển mạnh công nghiệp chế biến tôm trên địa bàn tỉnh tạo giá trị tăng thêm lớn cho chuỗi giá trị tôm…”, Phó chủ tịch HĐND tỉnh Lê Văn Khê nhấn mạnh.