WHO: Hàng trăm nghìn người Việt tử vong, nhập viện vì rượu bia

Ước tính, việc sử dụng rượu, bia ở Việt Nam đã dẫn tới 79.000 người tử vong trong năm 2016. Hàng trăm nghìn người khác phải nhập viện điều trị vì các bệnh liên quan đến rượu, bia.
Ngày 18/7, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) phối hợp với Bộ Y tế tổ chức cuộc họp Chuyên đề Nhóm Đối tác Y tế với nội dung Tham vấn về dự thảo Luật phòng chống tác hại của rượu, bia nhằm kêu gọi hành động mạnh mẽ để giải quyết tác hại của việc sử dụng rượu, bia, nhằm nâng cao sức khỏe của người dân Việt Nam.

Cuộc họp do PGS.TS Nguyễn Thị Kim Tiến – Bộ trưởng Bộ Y tế, bà Nguyễn Thúy Anh – Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội, và Tiến sỹ Kidong Park – Trưởng Đại diện Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam đồng chủ trì.

Theo các chuyên gia, mức tiêu thụ rượu, bia của người Việt Nam khá cao so với các quốc gia khác trong khu vực. WHO ước tính lượng tiêu thụ trung bình của mỗi người Việt Nam trên 15 tuổi là 8,3 lít cồn nguyên chất trong năm 2016 – tương đương với mức trung bình của Thái Lan. Các quốc gia khác trong khu vực có mức tiêu thụ trung bình thấp hơn nhiều như Mông Cổ (7,4 lít), Trung Quốc (7,2 lít), Campuchia (6,7 lít), Philippines (6,6 lít) và Singapore (2 lít).

PGS.TS Nguyễn Thị Kim Tiến – Bộ trưởng Bộ Y tế phát biểu tại cuộc họp.

Tiêu thụ rượu bia cũng đang gia tăng nhanh chóng. So với năm 2010, lượng tiêu thụ của những người uống rượu, bia là nam giới đã tăng 15% trong năm 2015. Ước tính, việc sử dụng rượu, bia ở Việt Nam đã dẫn tới 79.000 người tử vong trong năm 2016. Hàng trăm nghìn người khác phải nhập viện điều trị vì các bệnh liên quan đến rượu, bia. Sử dụng rượu, bia ở mức có hại là yếu tố chính góp phần vào gánh nặng các bệnh không lây nhiễm này. Sử dụng rượu, bia cũng là một yếu tố nguy cơ gây tai nạn giao thông đường bộ, bạo lực và thương tích.

Theo TS. Kidong Park – Trưởng Đại diện WHO tại Việt Nam: “Sử dụng rượu, bia ở mức nguy hại đang tước đi các nguồn lực giá trị để đáp ứng các nhu cầu cấp bách về chăm sóc sức khỏe và phát triển ở Việt Nam”. Ông cũng nhấn mạnh các hậu quả nghiêm trọng về kinh tế, xã hội do sử dụng rượu bia ở mức nguy hại “Tổng thiệt hại về mặt xã hội do sử dụng rượu, bia ở Việt Nam tương đương khoảng 1,3 – 3,3% tổng sản phẩm quốc nội (GDP)”.

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho rằng: “Việc sử dụng rượu, bia ở Việt Nam đã gây ra những hậu quả nghiêm trọng cho sức khỏe người dân và cộng đồng”. Bộ trưởng cũng nhấn mạnh sự cần thiết phải giải quyết tác hại của việc sử dụng rượu, bia, qua đó giúp giảm gánh nặng cho hệ thống y tế trong bối cảnh các nguồn lực còn hạn chế. Điều này cũng sẽ cải thiện sức khỏe của thế hệ hiện tại và tương lai của Việt Nam.

TS. Kidong Park cho biết: “Tổng thiệt hại về mặt xã hội do sử dụng rượu, bia ở Việt Nam tương đương khoảng 1,3 – 3,3% tổng sản phẩm quốc nội”.

Cần có chính sách giá thích hợp với đồ uống có cồn

Để giải quyết vấn đề sử dụng rượu, bia ở mức nguy hại, WHO khuyến nghị cần có chính sách giá đối với đồ uống có cồn. Các bằng chứng cho thấy việc tăng giá rượu, bia có tác dụng giảm việc sử dụng rượu, bia ở mức nguy hại của những người uống rượu nói chung và thanh thiếu niên nói riêng. Đồng thời, tỷ lệ tử vong do uống rượu, bia theo đó cũng sẽ giảm.

Hạn chế tính dễ dàng tiếp cận với rượu, bia và tính sẵn có của rượu, bia bằng cách quy định về mật độ các điểm bán rượu, bia qua cơ chế cấp phép nghiêm ngặt; hạn chế số ngày và giờ được phép bán rượu, bia; và quy định độ tuổi tối thiểu được mua hoặc sử dụng đồ uống có cồn.Rượu bia gây nhiều tác hại cho sức khoẻ. Ảnh minh hoạ.

Cùng với đó, cần có các quy định về tiếp thị, quảng cáo sản phẩm. Các quảng cáo rượu, bia đặc biệt ảnh hưởng tới giới trẻ. Rất nhiều nghiên cứu đã phát hiện rằng khi những người trẻ tiếp xúc với quảng cáo, tiếp thị rượu, bia nhiều, khả năng sẽ bắt đầu uống hoặc uống nhiều rượu, bia hơn. Nếu được triển khai hiệu quả, việc hạn chế hoặc cấm tiếp thị, quảng cáo rượu, bia có thể làm giảm tiêu thụ, đặc biệt là trong nhóm thanh thiếu niên, và qua đó làm giảm bạo lực và tai nạn giao thông đường bộ.

Đầu tư vào các hoạt động phòng ngừa tác hại do rượu, bia sẽ mang lại lợi ích đáng kể cho xã hội. Theo một ước tính trong năm 2018 của WHO, với mỗi 1 đô la chi để thực hiện các biện pháp hiệu quả về phòng ngừa tác hại do sử dụng rượu, bia gây ra, sẽ thu được lợi ích tương đương 9,13 đô la.
WHO sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Y tế và các đối tác trong việc cung cấp các hỗ trợ kỹ thuật trong quá trình xây dựng và thực thi chính sách để ngăn chặn và phòng ngừa sử dụng rượu, bia ở mức nguy hại ở Việt Nam.

Nhằm bảo vệ và nâng cao sức khỏe người dân, phòng chống những nguy cơ bệnh tật, tai nạn nguy hiểm và các hậu quả xã hội khác do rượu bia gây ra, Cục Y tế dự phòng – Bộ Y tế khuyến cáo người dân không lạm dụng rượu, bia và các đồ uống có cồn khác. Nếu uống rượu bia chỉ nên uống dưới 02 đơn vị cồn/ngày với nam giới, dưới 01 đơn vị cồn/ngày đối với nữ giới. Trẻ em dươi 18 tuổi không uống rượu bia

Đặc biệt không uống rượu bia khi tham gia điều khiển các phương tiện giao thông, khi vận hành máy móc, có thai hoặc đang cho con bú, đang điều trị thuốc có phản ứng với cồn hoặc có các tình trạng bệnh lý phải tránh đồ uống có cồn.

Lựa chọn rượu có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, tránh nguy cơ uống phải rượu giả pha cồn công nghiệp gây những vấn đề nghiêm trọng, ngộ độc khi uống phải, thậm chí tử vong. Trong trường hợp có uống rượu, để phòng ngừa ngộ độc rượu, cần thực hiện các nguyên tắc sau:

– Tuyệt đối không uống rượu pha bằng cồn công nghiệp hoặc rượu có hàm lượng Methanol > 0,1% vì có thể gây mù mắt hoặc tử vong

– Không uống rượu ngâm với lá, rễ cây, phủ tạng động vật không rõ độc tính hoặc ngâm theo kinh nghiệm cá nhân

– Không uống rượu khi: Không biết rõ đó là rượu gì, rượu không có nguồn gốc, rượu không công bố tiêu chuẩn chất lượng, khi đang đói, mệt hoặc đang uống thuốc điều trị.

Một đơn vị cồn tương đương 10 gram cồn nguyên chất chứa trong dung dịch uống. Như vậy:
– 1 đơn vị cồn tương đương với 3/4 chai/lon bia 330 ml (5%);
– 1 cốc bia hơi 330 ml; 1 ly rượu vang 100 ml (13,5%);
– hoặc 1 chén rượu mạnh 30 ml (40%).