Tồn dư thuốc bảo vệ thực vật trong máu nguy hiểm thế nào?

Con số 67 người ở Hà Nội thì 31 người có tồn dư thuốc bảo vệ thực vật trong máu khiến nhiều người lo lắng. Sự thật của số liệu này là gì?

Thông tin về việc lấy mẫu xét nghiệm định tính định kỳ trên các mẫu ngẫu nhiên về nồng độ thuốc bảo vệ thực vật trong máu đối với nhóm 67 người ở Hà Nội do Viện Sức khỏe nghề nghiệp và môi trường (Bộ Y tế) tiến hành mới đây được nhiều người quan tâm.

Cụ thể, trong số 67 người được xét nghiệm, có tới 31 người tham gia có thuốc bảo vệ thực vật lưu tồn trong máu. Đáng ngại hơn là hầu hết đối tượng không trực tiếp tham gia vào sản xuất trên ruộng đồng như nông dân.

PGS.TS Doãn Ngọc Hải, Viện trưởng Viện Sức khỏe nghề nghiệp và môi trường cho biết không chỉ người trực tiếp sản xuất, mà người sử dụng, từ thành thị đến nông thôn đều có nguy cơ cao hấp thụ thuốc trừ sâu vào máu.

Các chuyên gia cảnh báo ngay cả những người không tiếp xúc trực tiếp với thuốc bảo vệ thực vật cũng có thể có nguy cơ hấp thụ vào máu.

PV đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Trần Hồng Côn, khoa Hóa, Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội, về vấn đề này.

– Theo ông, việc tồn dư thuốc bảo vệ thực vật trong máu nguy hiểm như thế nào?

– Điều này tùy mức độ, tùy mỗi loại thuốc bởi chúng có ngưỡng gây độc khác nhau. Chúng có thể gây độc cấp tính, ngay lập tức. Ở ngưỡng khác là mạn tính, mỗi ngày một chút, chúng tích lũy dần, sẽ ảnh hưởng tới các hoạt động của cơ thể sau một thời gian nhất định. Mỗi chất có một ngưỡng khác nhau, không thể nói chung.

– Vậy những người xét nghiệm được xác định có tồn dư thuốc bảo vệ thực vật trong máu liệu họ có đang nguy hiểm không?

– Tôi được biết cuộc xét nghiệm được tiến hành như sau: có tổng số 67 người tham gia, mọi người lần lượt được chọc kim vào đầu ngón tay để lấy máu, giọt đầu tiên bỏ đi, những giọt tiếp theo được đem đi ly tâm, tách lấy huyết tương sau đó nhỏ vào chất chỉ thị màu để kiểm tra nồng độ thuốc bảo vệ thực vật trong máu.

Sau 5-7 phút, nếu giấy thử vẫn giữ nguyên màu vàng là bình thường; chuyển màu vàng sậm là ở mức an toàn; chuyển màu xanh là nhóm có nguy cơ, còn xanh đậm là mức độ nguy hiểm, rủi ro cao. Kết quả được công bố là 31/67 người thuộc nhóm nguy cơ, tức đang có thuốc bảo vệ thực vật tồn dư trong máu, một người ở mức rủi ro.

Do đó, việc “có thuốc bảo vệ tồn dư trong máu” ở đây được hiểu rất vô cùng, chung chung. “Có” có thể chỉ là lượng ít, chưa ảnh hưởng tới sức khỏe. Nếu nói chính xác phải là đang có ở mức độ nào, vượt mức cho phép hay chưa, đã gây độc mạn tính chưa hay vẫn dưới hoặc bằng mức cho phép… Tôi cho rằng việc chỉ nói có thôi là vô trách nhiệm, gây hoang mang. Như vậy, người cung cấp chưa cung cấp đủ thông tin hoặc bằng cách nào đó, thông tin chưa được truyền tải đầy đủ tới người dân.

– Những con đường nào để lượng thuốc trừ sâu, thuốc bảo vệ thực vật đi vào cơ thể chúng ta?

– Có 3 con đường chính để thuốc trừ sâu đi vào cơ thể. Thứ nhất, ăn các loại thực phẩm, rau quả nhiễm độc từ các loại thuốc bảo vệ thực vật khi chúng đang có tồn dư thuốc, chưa đủ thời gian cách ly. Thứ 2, qua đường hô hấp khi chúng ta hít phải thuốc, có thể đi qua chỗ người ta đang phun thuốc, gió thoảng qua. Thứ 3 là qua việc tiếp xúc trực tiếp, tức sử dụng các loại thuốc mà không đeo găng tay, đồ bảo hộ.

Việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật là nhằm mục đích bảo vệ các loại hoa quả, rau màu thoát khỏi sâu bệnh và chỉ được thu hoạch sau khi phun thuốc trong một khoảng thời gian cụ thể được khuyến cáo của nhà sản xuất. Nhưng để có thể thu lại lợi nhuận cao nhất, rất nhiều người trồng rau, hoa quả đã phun một lượng thuốc khá cao và thu hoạch ngay sau đó.

Điều này khiến cho phần lớn thực phẩm bày bán trên thị trường đều chứa lượng tồn dư thuốc trừ sâu quá cao so với quy định. Những hóa chất này sẽ tích lũy trong cơ thể của người sử dụng, từ đó tạo ra nhiều mối nguy hại cho sức khỏe cả về trước mắt lẫn lâu dài.

– Như vậy, việc đơn giản như ngửi một bông hoa cũng có thể bị nhiễm độc thuốc bảo vệ thực vật?

– Tất nhiên. Nếu bạn ngửi hoa khi bông hoa đó có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật. Người hái hoa bán vì lợi nhuận không kiêng đủ ngày cách ly đủ để cho thuốc phân hủy hết.  Ngược lại, nếu họ thực hiện đúng, không còn dư lượng thuốc trừ sâu, người dùng sẽ không bị nhiễm độc.

– Để tránh tình trạng tồn dư thuốc bảo vệ thực vật trong máu, chúng ta nên làm gì?

– Mỗi một chất độc sẽ có cách giải độc khác nhau. Nếu ở mức nặng, người bệnh phải vào nhập viện và có phác đồ điều trị riêng, không chất độc nào giống chất độc nào.

Thông thường, khi chưa bị nhiễm độc cấp tính, mạn tính, chúng ta chỉ còn cách để cơ thể tự đào thải. Cơ chế tự đào thải có ở mọi sinh vật. Do đó, đầu tiên, chúng ta phải cách ly khỏi môi trường có thuốc bảo vệ thực vật, tránh ăn những thực phẩm, rau quả có nguy cơ, sau đó bồi bổ cơ thể để tự đào thải.

Người sử dụng thuốc trừ sâu phải làm đúng hướng dẫn của nhà sản xuất. Không có cách gì hơn. Người ta làm đúng, bản thân họ và người sử dụng sẽ an toàn. Phun thuốc đúng cách đúng thời gian sẽ giảm thiểu rủi ro.