Thực hư việc bà bầu ăn 7-9 con cá chép, thai nhi thông minh hơn

Nhiều người quan niệm khi mang thai ăn đủ 7 hoặc 9 con cá chép, tùy theo giới tính của con, bà bầu sẽ sinh ra những đứa trẻ “thông minh hơn người”.

Liên quan đến quan niệm bà bầu khi mang thai con gái ăn 7 cá chép và con trai ăn đủ 9 con cá chép sẽ sinh ra những đứa trẻ “thông minh hơn người”, tiến sĩ, bác sĩ Trương Hồng Sơn, Viện trưởng Viện Y học ứng dụng Việt Nam, cho hay hiện tại, chưa có bất cứ một bằng chứng khoa học nào chứng mình việc ăn đủ 7 hay 9 con cá chép sẽ giúp trẻ thông minh.

Tuy nhiên, chuyên gia cho rằng thực tế cá chép có tác dụng hỗ trợ xây dựng hệ thống thần kinh và não bộ khỏe mạnh cũng như hạn chế dị tật bẩm sinh bằng cách cung cấp omega-3, lutein, kẽm và selen. Đây có thể là lý do dân gian xuất hiện quan niệm như trên.

Theo tiến sĩ Sơn, cá chép có rất nhiều chất dinh dưỡng khác nhau. Các chất dinh dưỡng có trong cá chép bao gồm: protein, lipid, photpho, isoleucine, lysine, vitamin A, B1, B3, B5, B6, B9, B12, E, K, H, PP, tryptophan, threonine, valine, histidine, leucine, selen, sắt, kẽm, magiê, kali và đồng. Loại cá này có hàm lượng protein cao trong khi chất béo bão hoà thấp.

Bên cạnh những giá trị dinh dưỡng và lợi ích sức khỏe đối với người mẹ như chống viêm, tăng cường chức năng của tim, tăng cường chức năng hệ tiêu hóa và làm chậm quá trình lão hóa, cá chép còn có những tác động tích cực đối với thai nhi.

Trong đó, điển hình nhất là việc hỗ trợ sự phát triển thai nhi bằng cách cung cấp protein, đồng thời hỗ trợ xây dựng hệ thống thần kinh và não bộ khỏe mạnh, hạn chế dị tật bẩm sinh.

 Cá chép có nhiều dinh dưỡng tốt cho mẹ bầu và thai nhi. Ảnh: M.H.

Cá chép có nhiều dinh dưỡng tốt cho mẹ bầu và thai nhi. Ảnh: M.H.

4 “không” khi ăn cá chép

Chuyên gia khuyến cáo 4 điều cần lưu ý đặc biệt khi bà bầu ăn cá chép:

Không ăn cá khi đói: Ăn cá khi đói có thể làm tăng lượng purine chuyển hóa thành axit uric có thể gây ra các tổn thương ở mô – nguyên nhân gây ra bệnh gout. Vì vậy, để tránh nguy cơ mắc bệnh gout, thai phụ không nên ăn cá lúc đang đói.

Không nên ăn cá sống: Cá sống thường chứa các ký sinh trùng, giun sán. Nếu ăn sống, các ký sinh trùng này sẽ xâm nhập vào cơ thể, gây bất lợi cho gan, làm cho gan bị nhiễm ký sinh trùng, trường hợp nghiêm trọng thậm chí dẫn đến ung thư gan. Do vậy, phụ nữ mang thai, trẻ nhỏ không được ăn cá sống, tái, chưa chín kỹ.

Không nên ăn mật cá: Ăn mật cá rất dễ gây ngộ độc và thậm chí nguy hiểm cho tính mạng, đặc biệt là mật cá trắm, cá chép. Trong mật cá thường có chất tetrodotoxin. Chất này được coi là có tác hại lên hệ thần kinh gây mệt mỏi, suy hô hấp, rối loạn hành vi. Do đó khi làm thực phẩm cần rửa thật sạch, nấu nướng kỹ, tốt nhất nên bỏ mật, lòng cá.

Không ăn cá khi bị ho: Người ho lâu ngày và phải dùng thuốc điều trị không nên ăn cá, đặc biệt để tránh bị dị ứng.