Thói quen ăn rau sống: Ngon, tốt nhưng dễ nhiễm ký sinh trùng

Rau sống là thực phẩm được rất nhiều người ưa thích, tuy nhiên, ẩn đằng sau đó là nhiều nguy cơ gây bệnh nếu sử dụng không đúng cách.

 

Rau sống cung cấp cho cơ thể một lượng lớn vitamin C, A, E, chất khoáng và một số yếu tố vi lượng, các vitamin trong rau sống sẽ ít bị hao hụt so với khi nấu chín. Một số nghiên cứu cho rằng ăn rau sống sẽ giảm nguy cơ bị bệnh tim, điều hòa hệ tiêu hóa… Tuy nhiên, vì các loại rau không qua chế biến nên có khả năng tồn tại nguy cơ nhiễm ký sinh trùng, nhất là những loại rau trồng ở môi trường không đảm bảo an toàn và sơ chế không đúng cách.

Theo Viện Sốt rét – Ký sinh trùng – Côn trùng TP.HCM, thì các loại ký sinh trùng phổ biến trong rau sống là giun kim, giun móc, giun tóc, trứng giun đũa chó, sán lá gan, ký sinh trùng amip gây bệnh lỵ. Không những thế, các loại rau sống còn có nguy cơ chứa một lượng lớn các loại trứng, ấu trùng giun sán như giun móc, giun đũa, giun đũa chó mèo, sán lá gan.

Các loại giun như giun đũa, giun móc, giun tóc, giun kim có trên tất cả các loại rau với tỉ lệ rất cao, nhiều nhất là trên xà lách xoong (100%), thấp nhất trên rau muống (46,1%). Ký sinh trùng amip, dạng bào nang có trong hầu hết các loại rau, nhiều nhất là trên xà lách xoong và rau má với tỉ lệ 76,5%, trứng giun đũa chó trên bảy loại rau (chỉ trừ rau muống) với tỉ lệ trung bình 11,5%.

Theo PGS Nguyễn Văn Đề – Nguyên trưởng Bộ Môn ký sinh trùng, trường Đại học Y Hà Nội, tập quán ăn rau sống thuỷ sinh cũng là nguyên nhân gây ra bệnh sán lá gan. Hầu hết người dân đều có thói quen ăn rau sống thuỷ sinh tại các vùng nhiệt đới trong đó có Việt Nam. Trước đó, điều tra tại huyện Vạn Ninh tỉnh Khánh Hoà thì tỷ lệ ăn rau sống thuỷ sinh trong cộng đồng lên tới 99 %.

Thói quen ăn rau sống: Ngon, tốt nhưng dễ nhiễm ký sinh trùng
Thói quen ăn rau sống tiềm ẩn nguy cơ nhiễm ký sinh trùng. 

Nhiều loại rau thuỷ sinh đã được phát hiện có ấu trùng sán lá gan lớn như rau ngổ, rau cải xoong, rau cần, rau rút, rau răm, rau cải xanh…

Trung gian gây ra bệnh sán lá gan lớn, PGS Đề cho biết là do ốc Lymnea có mặt ở nhiều nơi tại Việt Nam. Nhiệt độ thích hợp để cho trứng nở ấu trùng lông để chui vào ốc là 15 – 20 độ C. Vật chủ dự trữ mầm bệnh như trâu bò, các loại gia súc ăn cỏ ở Việt Nam. Theo nghiên cứu của nhóm tác giả Lương Văn Huấn, có tới 54 -70 % bò, 34 – 64 trâu nhiễm ấu trùng sán trong khi đó việc sử dụng, quản lý phân trâu bò chưa tốt, trâu bò thả rông đã tạo điều kiện môi trường cho trứng sán lá gan lớn phát triển.

Khi vào cơ thể, sán lá gan lớn ký sinh trong đường mật và phá huỷ tổ chức gan gây ổ áp xe với tổ chức hoại tử không đồng nhất. Gan to với mặt ngoài nhẵn hoặc gồ ghề, đường mật bị giãn phồng lên với thành dày, niêm mạc  túi mật xuất hiện nhú. Thành túi mật dày lên đến tận lớp cơ và xơ lan toả.

Thời kỳ mạn tính: xuất hiện từ tháng thứ ba, sán lá trưởng thành xâm nhập vào gan mật và xuất hiện trứng sán trong phân. Bệnh nhân tiếp tục mệt mỏi chán ăn, nhức đầu, thỉnh thoảng nổi mề đay, đi ngoài phân lỏng.

Xét nghiệm thấy thiếu máu, bạch cầu ái toan tăng. Trong thời kỳ này có thể xuất hiện các biến chứng nặng như những cơn đau bụng gần như đau do sỏi, có thể có tắc mật gây sốt, vàng da, đặc biệt sán có thể gây những ổ hoại tử lớn ở gan. Sán có thể di chuyển ra ngoài gan (chui ra khớp gối, dưới da ngực, áp xe đại tràng…).

Để phòng sán lá gan lớn, PGS Đề khuyến cáo tuyệt đối không ăn rau sống thuỷ sinh, không uống nước lã. Các vùng chăn nuôi bò, trâu, gia súc ăn cỏ cần quản lý phân thật tốt để tránh là vật chủ lây nhiễm sán lá gan lớn.

Hiện nay đã có thuốc điều trị đặc hiệu như: Triclabendasole (biệt dược là Egaten do Hãng Novartis, Thuỵ Sỹ sản xuất) có tác dụng tốt trong điều trị cho người bệnh nhiễm sán lá gan lớn. Liều 10 mg/kg chia 2 lần cách nhau 6 – 8 giờ (uống sau khi ăn no). Có một số bệnh nhân dùng liều 20mg/kg, khỏi bệnh đạt 100%. Tác dụng phụ của Egaten không đáng kể và thuốc an toàn với người bệnh. Thuốc hiện chỉ có và sử dụng ở các cơ sở y tế chuyên khoa.

(Nguồn: Vietnamnet)