Hà Tĩnh: Nữ sinh tắc ruột phải phẫu thuật gấp vì ăn quả hồng

Sau ăn, L. đau bụng dữ dội kèm theo nôn, đưa vào bệnh viện cấp cứu và được bác sĩ chẩn đoán bị tắc ruột.

Các bác sĩ khoa Ngoại, BV đa khoa huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh vừa phẫu thuật thành công cho trường hợp Nguyễn Thị L. (14 tuổi, Đức Thọ) bị tắc ruột do ăn nhiều hồng ngâm.

Gia đình cho biết, ngày 7/10, cháu L. ăn liên tiếp 1kg hồng ngâm, sau vài tiếng, cháu L. bắt đầu đau bụng dữ dội kèm theo nôn, được gia đình chuyển đến BV để khám.

Qua thăm khám, bác sĩ kết luận bệnh nhi bị tắc ruột, cần phẫu thuật gấp. Bác sĩ đã lấy được toàn bộ khối bã thức ăn, cách hồi manh tràng khoảng 20cm, sau đó hút dịch trong lòng ruột, khâu phục hồi ống tiêu hóa, rửa ổ bụng và đặt dẫn lưu.

Nữ sinh tắc ruột phải phẫu thuật gấp vì ăn loại quả nhà nhà yêu thích

Ăn hồng ngâm khi đói với số lượng lớn có nguy cơ tắc ruột rất cao

Hiện tại, bệnh nhân tỉnh táo, sức khoẻ ổn định, có thể xuất viện trong vài ngày tới.

BS Vũ Hồng Anh, Trưởng khoa Thăm dò chức năng – nội soi, BV E (Hà Nội) cho biết, tắc ruột do khối bã thức ăn thường gặp ở người già và trẻ nhỏ. Các khối bã thức ăn thường hình thành khi ăn nhiều thực phẩm có chất tanin như hồng ngâm, ổi hay chất bã xơ như măng.

Nếu ăn các thực phẩm này khi dạ dày rỗng, nồng độ HCL cao sẽ khiến chất xơ, nhựa dễ bị kết tủa tạo thành các khối bã rắn chắc.

BS Hồng Anh cảnh báo, với các trường hợp tắc ruột, nếu không được xử trí kịp thời, bã thức ăn ứ đọng có thể gây biến chứng hoại tử ruột, thủng ruột, viêm màng bụng, nhiễm trùng, nhiễm độc toàn thân… dẫn tới tử vong.

Do đó các bác sĩ khuyến cáo, trước khi ăn các món có nhiều nhựa như ổi, hồng ngâm, măng khô cần phải ăn khi no. Với người già, lưu ý không nên nuốt thức ăn dai, cứng, nhiều gân, sụn, khi ăn cần nhai kĩ.

Trước đây, BV E cũng từng xử trí cho một bệnh nhân nữ sinh viên 23 tuổi bị tắc ruột do ăn quá nhiều măng khô. Trường hợp khác là cụ bà 86 tuổi bị tắc ruột do ăn thịt không nhai kĩ, vón thành cục lớn.