Thấy cây quen mọc ven đường, mẹ lấy về nấu cho cả nhà khiến con gái tử vong

Ngày 15/7/ 2018, một bà mẹ và hai cô con gái đến từ thị trấn Ngũ Trúc, quận Tây An (Trung Quốc) đã nhập viện trong tình trạng ngộ độc nghiêm trọng.

Theo lời kể của người thân, bà mẹ là một nhân viên dọn dẹp ở trường học. Chiều ngày 12/7, trên đường đi làm về, cô thấy bên vệ đường có vài cây nấm màu xám rất giống với loại nấm mà cô vẫn thường ăn nên đã hái một ít mang về nhà nấu cho cả gia đình.

Bà mẹ đã làm một đĩa nấm chiên khoảng nửa cân cho cả nhà ăn. Tuy nhiên sau khi ăn xong đĩa nấm của mẹ, cả ba đột nhiên cảm thấy người không khỏe, bị tiêu chảy. Sáng hôm sau, cả nhà gồm bà mẹ và 2 cô con gái đã phải nhập viện ở Tây An trong tình trạng ngộ độc.

Người chồng cũng cho biết buổi tối hôm xảy ra sự việc, ông vì bận đi làm nên đã không về nhà ăn cơm cùng gia đình, do đó may mắn thoát chết. Ông cũng cho biết khi về nhà, cả 3 mẹ con vẫn còn khỏe mạnh bình thường, cho đến nửa đêm thì cả ba đều gặp hiện tượng tiêu chảy, nôn mửa.

Sau 3 ngày điều trị tại bệnh viện ở Tây An, cô con gái 9 tuổi đã không thể qua khỏi, bà mẹ và cô con gái lớn vẫn đang phải tiến hành lọc máu, chỉ có thể ăn thức ăn lỏng.

Vì sao ăn nấm lại bị ngộ độc?

Trong các loại thực phẩm gây ngộ độc thì ngộ độc nấm là nguy hiểm và có tỷ lệ tử vong nhiều nhất. Bởi trong những cây nấm độc thường có chứa các độc tố như muscarin, phallatoxin, amatoxin… có tác dụng tiêu hủy hồng cầu, bạch cầu, tế bào thần kinh. Chỉ cần vài cây nấm độc trong món ăn có nấm cũng có thể gây độc, thậm chí làm chết nhiều người.

Hơn nữa nấm là món ăn nhiều người yêu thích, nhưng lại có loại độc và không độc. Nhiều người không phân biệt được các loại nấm vẫn tự ý hái nấm mọc hoang dẫn đến những hậu quả đáng tiếc.

Biểu hiện khi ngộ độc nấm

Triệu chứng thường gặp đầu tiên khi bị ngộ độc nấm là loạn nhịp thở, chóng mặt buồn nôn, tiểu chảy, rối loạn hoạt động của bộ máy tiêu hóa, gan thận, co giật, rối loạn thần kinh, tim mạch, hôn mê và tê liệt thần kinh trung ương…

Cách xử trí khi bị ngộ độc

Trong trường hợp chưa thể chuyển tới bệnh viện cần nhanh chóng tìm mọi biện pháp loại bỏ chất độc ra khỏi cơ thể bằng cách gây nôn hoặc dùng thuốc giải độc có tác dụng làm giảm hoặc trung hòa chất độc (than hoạt tính). Cụ thể:

Gây nôn: dùng cách móc họng cho nôn hoặc dùng lông gà rửa sạch ngoáy vào họng cho buồn nôn, nôn cho đến khi ra nước trong mới thôi.

Uống than hoạt tính: Uống 30g than hoạt tính (2 thìa canh) với 1-2 cốc nước (có thể cho ít đường trắng cho dễ uống). Than hoạt sẽ hấp phụ chất độc, chuyển vào phân để tống ra ngoài. Nếu không có than hoạt thì mua viên carbogast hoặc carbophos 400mg/viên để uống. Nếu nạn nhân mê man bất tỉnh, cần đưa đi cấp cứu ngay tại cơ sở y tế gần nhất. Nếu người bệnh hôn mê, co giật thì phải cho nằm nghiêng. Nếu người bệnh thở yếu, ngừng thở thì hà hơi thổi ngạt hoặc hô hấp nhân tạo bằng các phương tiện cấp cứu tại chỗ.