Giò, chả tăng giá kỷ lục theo thịt lợn khiến nhiều nhà gạch tên món này ra khỏi mâm cỗ Tết

Giá thịt lợn “phi mã” khiến sản phẩm chế biến từ thịt lợn tăng giá không ngừng, thậm chí có những sản phẩm mới nghe qua tưởng chừng không liên quan đến thịt lợn cũng tăng theo.

Giá thịt lợn tăng cao, dần dịch chuyển đến mốc 200.000 đồng/kg khiến giá cả thị trường “nhảy múa” liên tục, liên tiếp lập kỷ lục mới. Nhiều mặt hàng thực phẩm có sử dụng thịt lợn làm nguyên liệu cũng biến động không ngừng.

Bà Vân – chủ cửa hàng giò chả Ước Lễ trong chợ Khương Thượng (Đống Đa, Hà Nội) chia sẻ trên VnExpress: “Chưa bao giờ thấy thịt hơi nhảy chóng mặt như thế”.

Nhìn thấy việc kinh doanh giò chả gặp khó khăn nhưng bà Vân không còn lựa chọn nào khác. Thương lái đẩy giá thịt lên từng ngày. Theo đó giá mỗi cân giò chả các loạt đồng loạt tăng thêm khoảng 50.000 đồng và dự kiến còn tăng tiếp trong những ngày giáp Tết nguyên đán.

Giò, chả tăng giá kỷ lục theo thịt lợn khiến nhiều nhà gạch tên món này ra khỏi mâm cỗ Tết - Ảnh 1.

Nhiều chủ cửa hàng kinh doanh giò chả đang gặp rất nhiều khó khăn.

Tương tự, bà Nguyễn Thị Bình, chủ một cửa hàng giò chả có tiếng trên đường Cầu Giấy, Hà Nội chia sẻ trên Vietnamnet, do giá thịt lợn tăng mạnh đã kéo theo giá giò chả lần đầu tiên lập đỉnh. Đơn cử, giá giò lụa từ 130.000 đồng/kg nhảy lên mức 150.000 đồng/kg và hiện tại là 200.000 đồng/kg, giá giò tai nấm từ 150.000 đồng/kg tăng thêm 7 giá là 220.000 đồng/kg.

Gần 1 tháng nay, cửa hàng của bà Bình luôn phải đối mặt với tình trạng doanh thu sụt giảm. Nhiều nhà hàng, khách sạn vốn là đầu mối tiêu thụ lớn của cửa hiệu đều đồng loạt thông báo cắt giảm ½ số lượng. Khách mua nhỏ lẻ cũng ngày một thưa thớt, vắng bóng dần do giá thành thực phẩm leo thang.

Hiện, giá thịt lợn thành phẩm dao động ở mức 170-190.000 đồng/kg. Mức tăng giá kỷ lục kéo theo một loạt sản phẩm khác chế biến từ thịt lợn tăng theo. Cụ thể, giá giò lụa loại thường có pha trộn trước đây 120.000- 130.000 đồng/kg thì nay lên 140.000-160.000 đồng/kg; loại đặc biệt trước đây 150.000 đồng/kg nay lên 190.000- 200.000 đồng/kg.

Lạp xưởng tươi thay vì 150.000 đồng, nay tăng lên 170.000-180.000 đồng/kg. Các loại chà bông, giăm bông cũng tăng giá thêm 30.000- 50.000 đồng/kg so với trước.

Giò, chả tăng giá kỷ lục theo thịt lợn khiến nhiều nhà gạch tên món này ra khỏi mâm cỗ Tết - Ảnh 2.

Nhiều người còn tự chế biến để tránh mua phải chả “độn bột”.

Theo bà Thu Thủy – người có 20 năm kinh doanh giò chả tại phố Mai Dịch (Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết trên Lao Động, mặc dù tăng giá giò chả thêm 50.000 đồng/kg nhưng sức mua đã giảm gần 1 nửa.

Người tiêu dùng gần như chỉ mua giò vào các dịp ngày rằm, mùng 1 để thắp hương, bởi với số tiền 200.000 đồng để mua 1kg giò lụa, người tiêu dùng có thể mua được 1,2kg thịt để có thể chế biến được nhiều món ăn hấp dẫn và tiết kiệm hơn nhiều. Thậm chí, nhiều người còn tự chế biến để tránh mua phải giò “độn bột”.

Trước việc giá giò chả tăng phi mã như hiện nay, chị Thu Hà (Mỹ Đình, Hà Nội) cho hay: “Từ lúc thịt lợn giá tăng cao đến giờ mặt hàng gì cũng tăng giá theo. Năm nào nhà tôi cũng mua 4, 5 loại giò, chả ăn Tết nhưng năm nay chắc phải tự làm hoặc chỉ mua 1 loại để ăn cho vui thôi”.

Giò, chả tăng giá kỷ lục theo thịt lợn khiến nhiều nhà gạch tên món này ra khỏi mâm cỗ Tết - Ảnh 3.

Người bán giò chả phải kèm thêm nhiều món khác trước “bão” giá thịt lợn để tăng doanh thu. Ảnh: Lao Động

Liên quan tới giá lợn tăng cao thời gian qua, ông Nguyễn Xuân Dương, quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng, giá lợn thịt một số nơi tăng cao phần chính không phải là do thiếu nguồn mà bởi khâu lưu thông sản phẩm đang tồn tại bất cập, trong đó, đã có biểu hiện một bộ phận hộ chăn nuôi “găm hàng”, tiểu thương “thổi giá” lợn lên cao.

Tại hội nghị gần đây về công tác ứng phó với dịch tả lợn châu Phi, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường đề nghị các doanh nghiệp, trang trại chăn nuôi trên cơ sở an toàn sinh học, cần tập trung tăng đàn tối đa. Đối với các địa phương, không chờ hết dịch mới tái đàn, vì dịch tả lợn châu Phi sẽ còn tồn tại một thời gian dài.

Bên cạnh đó, lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng cho rằng, Ban chỉ đạo 389 và bộ đội biên phòng cần tiếp tục kiểm soát chặt chẽ việc xuất khẩu tiểu ngạch lợn ra nước ngoài, cũng như nhập khẩu lợn không rõ nguồn gốc vào tiêu thụ trong nước. Các bộ, ngành tập trung nguồn lực nhiều hơn cho công tác bình ổn ngành hàng thịt lợn so với các nhóm thực phẩm khác trong dịp tết Nguyên đán Canh Tý 2020.