Người Huế biến tấu quả vả thành trà dược liệu bổ dưỡng

Điểm khác biệt của trà vả so với các loại trà thông thường là người dùng có thể ăn được cả xác trà khi thưởng thức.

Đến với xứ Huế, bên cạnh bún bò, mè xửng, người ta còn nhắc tới một loại quả dân dã không chỉ tạo nên các món ẩm thực thơm ngon, mà còn là nguyên liệu của loại trà dược liệu độc đáo – quả vả. Ở Huế, người dân dễ dàng bắt gặp cây vả mọc ngay bên bờ ao, giếng nước, bờ sông thậm chí ngay dưới bóng chùa, trong các vườn nhà. Loài cây này thích nghi với thổ nhưỡng và khí hậu của vùng nên không cần chăm bón vẫn phát triển tươi tốt.

Quả vả có vẻ ngoài giống quả sung nhưng kích cỡ lớn hơn, mọc thành chùm, vỏ xanh đều, cùi dày, vị ngọt và thơm dịu. Người Huế có nhiều cách chế biến món ăn với loại quả này như trộn tôm thịt, hầm với sườn non, làm chua ngọt, ăn kèm bánh tráng, nem lụi và tôm chua thịt xay… Trong Đông y, chúng được dùng để điều trị bệnh dạ dày, táo bón, mụn nhọt…

Vả là loại quả dân dã đặc trưng của xứ Huế. Ảnh: Bizmedia.

Quả vả tươi bán ra thị trường chỉ có giá vài nghìn đồng một kg nhưng những năm gần đây, chúng được thu mua với giá ổn định 10.000 đồng mỗi kg để chế biến thành sản phẩm trà vả. Anh Mai Quốc Bảo, một người con xứ Huế sau nhiều năm nghiên cứu nhận thấy quả vả có tới 12 tác dụng y học nên nảy ra ý tưởng biến quả vả tươi thành trà.

Cụ thể, quả vả sau khi thu mua được kiểm tra chất lượng rồi đưa vào chế biến. Đầu tiên, người làm đem quả rửa nhiều lần bằng nước sạch, để ráo rồi đưa vào máy thái sợi. Các sợi vả tươi sau đó được xếp lên dàn phơi dưới nắng. Theo người làm trà vả, các tia có trong ánh nắng mặt trời giúp loại bỏ bớt những chất độc ảnh hưởng đến sức khỏe người dùng. Ngoài ra, để tránh côn trùng, bụi, rác từ không khí, dàn phơi được phủ thêm lớp lưới che.

Đóng gói trà vả. Ảnh: Bizmedia.

Tiếp đó, nguyên liệu được đem sao vàng rồi đưa vào máy sấy khô. Trà vả đặc biệt hơn các loại trà khác ở chỗ, sau khi pha, người dùng có thể ăn luôn xác trà. Do cách làm đơn giản, hương vị dễ uống đồng thời có nhiều công dụng Đông y, tốt cho sức khỏe nên nhiều gia đình tại Huế thường tự làm trà vả để sử dụng.

Tại cơ sở chế biến Lộc Mai, bên cạnh trà vả thường, công ty còn sản xuất thêm trà vả gừng, trà vả cam thảo dưới dạng túi lọc nhằm đáp ứng nhu cầu đa dạng của thị trường. Toàn bộ quy trình chế biến được thực hiện với nguyên liệu quả vả tươi, ngoài ra, không sử dụng thêm bất cứ phụ gia hay chất bảo quản nào. Trà vả Huế được tiêu thụ chủ yếu ở Đà Nẵng, Quảng Bình, Quảng Trị, TP HCM… và theo chân nhiều Việt kiều ra nước ngoài.

Năm 2015, quả vả lọt Top 50 món ăn đặc sản nổi tiếng Việt Nam do Vietkings công bố. Đây cũng là điểm tựa để người Huế biến tấu thứ quả dân dã thành nông sản có giá trị kinh tế cao.

Như Nguyệt