Nấm bào ngư sạch từ thành phố ven biển

Nhờ nguồn giống tốt và quy trình trồng sạch nên nấm bào ngư Đà Nẵng được giá và có đầu ra ổn định. Hiện, mỗi ngày, người trồng nấm tại quận Liên Chiểu và Sơn Trà cung cấp từ 300-500kg nấm tươi cho thị trường.

Nấm bào ngư (còn gọi là nấm sò, nấm dai) có hình dáng như những búi san hô nhỏ mọc ra từ bịch giá thể. Giá bán ra thị trường của nấm bào ngư tươi ổn định ở mức 35.000-40.000 đồng mỗi kg. Ngoài ra, ưu điểm của trồng nấm bào ngư là các bịch nuôi nấm sau thu hoạch xong có thể tận dụng để ủ phân hữu cơ.

Nấm bào ngư được nhiều nông dân lựa chọn để phát triển kinh tế. Ảnh: Bizmedia.

Anh Trần Ngọc Long ở phường Hoàng Khánh Bắc, quận Liên Chiểu, Đà Nẵng là thành viên nằm của hợp tác xã trồng nấm Kim Thanh cho biết, anh và bà con nơi đây đang trồng ba loại nấm là bào ngư trắng, bào ngư xám và bào ngư tím. Nấm bào ngư trồng không khó nhưng chúng lại khá nhạy cảm với môi trường. Nhà trồng nấm phải thông thoáng, tránh xa khu vực khói bụi, ô nhiễm rác thải, mương cống hay khu chăn nuôi lợn, gà.

Để làm giá thể trồng nấm, bà con tại hợp tác xã lựa chọn loại mùn cưa cao su nhập về từ Gia Lai. Mùn cao su có nhiều giá trị dinh dưỡng và thuần chủng, đồng thời chi phí lại rẻ nên được bà con sử dụng. Mùn cưa sau khi nhập về được sàng sạch đất, cát và tạp chất, đem ủ 2-3 ngày để loại bỏ bớt mầm bệnh, đồng thời tạo độ ẩm thích hợp khoảng 65% rồi mới trộn thêm cám bắp, cám gạo, bột nhẹ (CaCo3) để tạo thành hỗn hợp giá thể trồng nấm hoàn chỉnh.

Tiếp đó, người trồng đóng bịch nấm theo khối lượng định sẵn khoảng 1,5 kg mỗi bịch Để đảm bảo diệt khuẩn và loại bỏ hết mầm bệnh trước khi xuống giống, bịch nấm được đem hấp lại.

Các giàn treo bịch nấm trong giai đoạn ươm. Ảnh: Bizmedia.

Nhằm đảm bảo giống tốt, sạch bệnh, lên đều, bà con tham gia tổ hơp tác chỉ lấy giống nấm qua đầu mối là hợp tác xã. Đây là nguồn giống chất lượng được cung cấp từ Viện Công nghệ sinh học Đà Nẵng và Đại học nNng lâm Đồng Nai. Để giống nấm không bị nhiễm khuẩn, người làm phải lau tay với cồn khử trùng sau đó mới bốc, rải giống vào trong túi rồi buộc kín lại. Phần miệng túi được gắn thêm miếng bông nhỏ để các phôi nấm hô hấp và phát triển.

Khi vào giống xong, nông dân sẽ ươm các bịch nấm này trong 20-25 ngày. Hàng ngày, bà con phải theo dõi và duy trì nhiệt độ, độ ẩm phù hợp với khoảng 20-30 độ C, độ ẩm đạt 75-80%.

Nấm bào ngư đến độ thu hái. Ảnh: Bizmedia.

Khi chân nấm ăn ra trắng bịch, các bịch được chuyển sang khu vực nhà trồng riêng để chăm sóc và rạch cho cây nấm phát triển. Sau khoảng 10 ngày, những cây nấm bắt đầu nhú. Trong thời gian này, giàn nấm cần được duy trì đều độ ẩm 80% độ ẩm, do đó, người nuôi thiết kế hệ thống phun sương chỉ sử dụng nước sạch.

Anh Long cho biết, cây nấm không cần bón phân vì các giá thể đã đủ chất dinh dưỡng. Với khoảng 8.000 bịch nấm đang cho thu hoạch, trung bình một ngày anh có thể thu 30-40 kg nấm. Thời gian hái diễn ra vào khoảng sáng sớm và chiều tối, mỗi bịch nấm cho thu hoạch kéo dài 2-3 tháng.

Nấm bào ngư đạt 3-4 cm là thu hoạch được sau đó đóng túi PE theo khối lượng rồi chuyển đến cơ sở tiêu thụ và phân phối. Nhờ làm ăn theo mô hình hợp tác xã nên toàn bộ sản phẩm nấm của các thành viên đều được bao tiêu đầu ra. Với giá thành ổn định, hiện nay, nấm sạch của bà con hợp tác xã Kim Thanh được tiêu thụ tại hệ thống cửa hàng rau củ quả sạch trên địa bàn thành phố Đà Nẵng.

Như Nguyệt