Cam sành Hàm Yên được tưới bằng nước nguồn từ đỉnh núi

Nguồn đất phù hợp cùng hệ thống nước tưới dẫn từ đỉnh núi xuống khiến cam sành Hàm Yên cho quả mọng nước, ngọt thơm hơn nhiều vùng khác.

Không chỉ nổi tiếng với các di tích lịch sử và nhiều sản vật như vịt Minh Hương, chè Bát Tiên…, Tuyên Quang còn được xem là cái nôi của cam sành Hàm Yên. Thứ quả này đã trở thành nguồn nông sản chủ lực, giúp bà con nhiều làng, xã nơi đây làm giàu.

Người dân trong vùng quen gọi cam Hàm Yên là cam làng Mường. Theo lời các cụ kể lại, khoảng năm 1890, khi hai cụ già người dân tộc đi bẫy thú ở núi Quan Tiên, bản Mường, xã Phong Lưu, huyện Hàm Yên, dừng chân nghỉ thì thấy một cây có quả đã chín vàng, lá nhọn nên hái ăn thử. Thấy quả có vị ngọt, thơm mát, giúp người tỉnh táo, hai cụ bèn đem hạt về trồng trong vườn nhà và bắt đầu nhân giống từ đó.

cam sành hàm yên

Cam sành Hàm Yên được thị trường ưa chuộng. Ảnh: Bizmedia.

Cam Hàm Yên thường có màu xanh, khi chín chuyển màu cam vàng óng. Vỏ quả mỏng và hơi sần, mọng nước, bên trong ruột vàng sánh như mật, ngọt đậm. Được sự giúp đỡ của Hội cam sành Hàm Yên, năm 2012, huyện Hàm Yên bắt đầu hướng dẫn bà con thực hiện trồng cây cam theo tiêu chuẩn VietGAP, đảm bảo tạo ra sản phẩm an toàn, sạch bệnh.

Đầu tiên, toàn bộ hộ trồng cam được hướng dẫn cách chọn giống chất lượng và sử dụng phân hữu cơ vi sinh để cải thiện đất trồng. Khi trồng mới, người dân luôn chú ý khoảng cách phù hợp giữa các cây. Trong suốt quá trình trồng và chăm sóc, bà con phải thường xuyên cắt tỉa những cành sâu bệnh và cành nằm khuất trong tán lá để vườn thông thoáng, cây sinh trưởng tốt.

Ngoài ra, cỏ, rác, lá cây mục quanh gốc cũng được dọn dẹp thường xuyên để hạn chế sâu bệnh. Nhiều vườn còn nuôi kiến vàng để loại bỏ rệp. Tại các vườn này, người trồng phải đảm đảm bảo không phun, xịt thuốc phòng trừ sâu bệnh để tránh làm chết kiến. Đa số vườn cam ở Hàm Yên đều có diện tích lớn nên người trồng phải thăm nom thường xuyên để kịp thời phát hiện và xử lý khi cây bị bệnh.

Nguồn nước sạch từ trên đỉnh núi cùng khí hậu thiên nhiên phù hợp cũng góp phần quan trọng, giúp cây cam phát triển xanh tốt qua nhiều năm.

Cam Hàm Yên thường chín rộ vào dịp Tết Nguyên đán. Khi tới thăm vườn mùa này, du khách dễ dàng bắt gặp từng đoàn người đi thu hái. Cam chín được tập kết tại các điểm thu mua dưới chân đồi. Từ đây, cam Hàm Yên theo những chuyến xe của thương lái tới khắp mọi miền Tổ quốc.

Hiện nay, Hàm Yên có 2 vùng trồng cam chính là cam vùng núi đá, tả ngạn sông Lô, vỏ mỏng, nhiều nước và cam vùng đồi đất quả chắc, cho thu hoạch muộn hơn. Diện tích trồng cam tại huyện ngày càng được mở rộng. Đến nay, hơn 5.000 ha cam được trồng chủ yếu tại 13 xã huyện Hàm Yên và 2 xã của huyện Chiêm Hóa, Tuyên Quang. Mùa vụ 2015-2016, tổng sản lượng cam Hàm Yên đạt trên 43.000 tấn. Dự kiến vụ sau, sản lượng còn tăng, hứa hẹn mùa cam bội thu cho bà con.

Tháng 12/2007, cam Hàm Yên được đăng ký thương hiệu và chỉ dẫn địa lý. Thứ quả đặc sản của Tuyên Quang cũng đạt “Thương hiệu vàng nông sản Việt Nam 2015” và “Top 50 trái cây nổi tiếng và có giá trị nhất Việt Nam” (theo Viện nghiên cứu rau quả).

Mai Giang