Bánh pía Sóc Trăng dậy mùi sầu riêng béo ngậy

Mùi sầu riêng béo ngậy hòa cùng vị trứng muối đậm đà, vị đậu xanh, khoai môn bùi bùi khiến bánh pía Sóc Trăng trở thành đặc sản nổi tiếng mang thương hiệu Việt.

Tỉnh Sóc Trăng nằm cách TP HCM 230 km, nổi tiếng với hệ thống kênh rạch chằng chịt và cũng là nơi tập trung lượng lớn người đồng bào Khmer sinh sống. Đến đây, ngoài thưởng ngoạn danh lam thắng cảnh, du khách còn dễ dàng bắt gặp những biển hiệu mời chào thưởng thức món bánh pía thơm ngon nổi tiếng.

Bánh pía vốn được làm từ bột mì nhào nhuyễn với đường cát trắng, sau đó, cán thành các lớp mỏng chồng lên nhau. Nhân bánh gồm trứng muối và hỗn hợp dẻo có vị ngọt bùi, đậm đà. Theo người dân nơi đây, bánh pía có nguồn gốc từ người Minh Hương (Trung Quốc) di cư sang khu vực Sóc Trăng từ thế kỷ 17 dưới thời chúa Nguyễn. Loại bánh này là thực phẩm chống đói khi đi đường của dân di cư.

Sau khi du nhập vào Sóc Trăng, loại bánh này được người dân biến tấu trên cơ sở các loại thực phẩm có sẵn ở vùng đất này để phù hợp với khẩu vị của người Việt. Qua thời gian, cách làm bánh pía đã lan rộng khắp tỉnh Sóc Trăng và nổi tiếng một vùng Nam Bộ.

Đầu tiên, để làm vỏ bánh, người làm dùng bột mì trộn nhuyễn với đường cát trắng; cán thành các lớp bột thật mỏng, đảm bảo xếp chồng được lên nhau. Tiếp đến là phần nhân bánh, tùy từng loại nhân mà người thợ có cách chế biến riêng biệt.

bánh pía sóc trăng

Sản phẩm bánh pía đặc sản Sóc Trăng. Ảnh: Trung tâm xúc tiến thương mại nông nghiệp Hà Nội.

Để tạo độ bùi cho bánh, người thợ đem đậu xanh và khoai môn hấp chín rồi trộn với đường, xay nhuyễn, chế thêm ít mỡ nước. Mỡ lợn làm nhân được xắt sợi, ướp đường cho săn lại và đạt độ trong cần thiết. Trứng vịt muối sẽ được đặt ở giữa, còn lại, tùy từng loại bánh mà người làm cho nhân phù hợp. Tuy nhiên, bất cứ loại bánh pía nào cũng không thể thiếu hương vị sầu riêng.

Sau khi bao bột xong, người thợ miết kín miếng bánh và ấn dẹt xuống, thoa một lớp dầu ăn lên khay, đặt bánh vào đó rồi đem nướng. Mẻ bánh pía thành phẩm sau khi nướng có màu vàng ươm, dậy mùi thơm béo ngậy của sầu riêng.

Anh Trung, chủ cơ sở sản xuất bánh pía Quãng Trân tại Châu Thành, Sóc Trăng cho biết, các nguyên liệu làm bánh đều được cơ sở thu mua, lựa chọn trực tiếp tại địa phương nên đảm bảo về nguồn cung cấp. Toàn bộ sản phẩm được đựng trong bao bì chuyên dụng; bên ngoài có đầy đủ thông tin, địa chỉ cơ sở, thành phần, ngày sản xuất và hạn sử dụng để người tiêu dùng yên tâm lựa chọn.

Với việc thực hành đúng các quy định, bánh pía Quãng Trân được Chi cục vệ sinh an toàn thực phẩm Sóc Trăng chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh, đồng thời, được Cục sở hữu trí tuệ cấp chứng nhận thương hiệu riêng.

Giờ đây, các cơ sở sản xuất bánh pía không chỉ góp phần duy trì món đặc sản của Sóc Trăng, mà còn giải quyết việc làm cho lượng lớn nhân công tại địa phương. Theo chủ cơ sở bánh pía Quãng Trân, những người thợ làm có thu nhập ổn định 4 – 4,5 triệu đồng mỗi tháng. Thời điểm tăng ca vào dịp Tết Nguyên Đán hay Tết Trung thu, thu nhập này có thể tăng lên.

Hiện tại, Sóc Trăng có khoảng 50 lò chuyên sản xuất bánh pía để đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước. Không những vậy, có cơ sở sản xuất còn xuất khẩu bánh sang nước ngoài, góp phần mang thương hiệu bánh pía Sóc Trăng đến với bạn bè quốc tế.

Thu Nga